Nuôi tôm giảm phát thải từ nguồn

0

Nuôi tôm kết hợp với rừng và lúa, mặc dù có nhiều ưu điểm, vẫn sinh ra khí nhà kính, ảnh hưởng xấu tới môi trường và tôm. Giảm phát thải từ nguồn gốc sinh ra là vấn đề cốt lõi của nuôi tôm và cũng là giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn trong ngành tôm.

Sử dụng tài nguyên trong nuôi tôm

Theo Bộ NN&PTNT, vùng ĐBSCL chiếm trên 90% diện tích và sản lượng tôm nước lợ của cả nước, gồm tôm sú và TTCT. Mục tiêu năm 2025 xuất khẩu 10 tỷ USD với yêu cầu phát triển bền vững đang gặp thách thức lớn: Nhiều hộ nuôi quy mô nhỏ, bị tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề và thải khí nhà kính lớn cùng nhiều chất thải khác. Từ đó, cần có giải pháp sử dụng tài nguyên trong nuôi tôm, chủ yếu là TTCT và tôm sú quảng canh cải tiến.

Nuôi TTCT đã tính toán được việc sử dụng tài nguyên cho mỗi tấn tôm như sau: Diện tích đất 0,48 ha, nước 2.041 m³, thức ăn viên (FCR: 1,36), năng lượng điện 8.844 KWh; năng suất trung bình hiện nay là 7,35 tấn/ha/năm; thải ra 2.041 m³ nước, khí nhà kính 500 tấn CO2eq/ha tương đương 68 tấn, và nhiều chất thải như xi phông, vỏ tôm, tôm chết. Thực hiện tuần hoàn nội tại trong hệ thống nuôi với nguyên lý tối ưu hóa đầu vào và tối đa hóa đầu ra. Tập hợp các giải pháp: sử dụng năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, biogas) để giảm chi phí năng lượng; công nghệ nuôi tuần hoàn khép kín Biofloc – biogas; Biogas – aquaponics; Tôm-rong biển-cá-biogas/rừng ngập mặn.

Nuôi tôm sú quảng canh cải tiến sử dụng tài nguyên cho mỗi tấn tôm: Diện tích đất 4,79 ha, nước 52.817 m³, thức ăn tại chỗ và thức ăn tự nhiên, năng lượng 5.666 KWh; năng suất trung bình 240 kg/ha/năm; thải ra 33,33 tấn CO2eq/ha tương đương 4,54 tấn. Thực hiện tuần hoàn nội tại trong hệ thống tôm quảng canh cải tiến bằng phương pháp cải thiện thức ăn tự nhiên trong ao nuôi, và nuôi tôm kết hợp với rong câu để cải thiện năng suất tôm với giá thành thấp. Ưu điểm là chi phí thấp, có thể đạt 450 – 500 kg/ha/năm, thêm thu nhập từ rong câu khoảng 30 triệu/ha/năm; giảm phát thải được 17 – 18%.

Thực hiện tại trại để giảm phát thải từ nguồn

Nuôi tôm công nghiệp, trong tất cả các khâu phục vụ, đều phát thải khí nhà kính trực tiếp hoặc gián tiếp. Tập đoàn Minh Phú tổ chức nuôi tôm – rừng thành công với diện tích lớn, nhưng TS Lê Quang Huy, cán bộ của Tập đoàn, vẫn thẳng thắn chỉ ra: “Lượng hữu cơ phân hủy yếm khí sinh ra khí CH4 vẫn gây các tác động trực tiếp đến tôm và môi trường”.

Nguồn gốc phát thải trong nuôi tôm là: thức ăn tiêu thụ và chất thải từ quá trình nuôi; tiêu thụ điện năng vận hành hệ thống; khí thải phân hủy hữu cơ từ ao tôm và chất thải tôm. Kể cả logistic (vận chuyển vật tư phục vụ nuôi tôm); hóa chất xử lý gây ô nhiễm môi trường. Thêm rác thải là can nhựa, chai nhựa, thùng carton, bao bì.

Tập đoàn Minh Phú đã có biện pháp hạn chế tối đa những tác hại với quy trình sinh học MP-Bio cho tôm sinh thái là sử dụng hạt sinh học và khuẩn quang hợp. Dựa vào các lợi khuẩn giúp phân giải chất hữu cơ và chất xơ thành thức ăn sinh học cho tôm tăng sản lượng. Vi sinh quang hợp giúp hấp thụ và chuyển hóa khí độc gây hiệu ứng nhà kính.

Kết quả Tập đoàn Minh Phú đạt được rất rõ. Hạn chế sử dụng hóa chất xử lý nước, nội địa hóa trên 95% vật tư phục vụ nuôi tôm. Địa phương hóa sản xuất chế phẩm sinh học tại hộ nuôi và không cần đầu tư hay thay đổi thiết kế hệ thống nuôi. Tận dụng được chất thải từ nuôi tôm phục vụ các lĩnh vực khác, giảm giá thành nuôi tôm rõ rệt.

“Công nghệ vi sinh MP-Bio đang được đánh giá là bước đột phá bảo vệ môi trường trong nuôi tôm bởi hạn chế rõ rệt tác hại đến môi trường. Có thể thấy rõ ở việc giảm tiêu thụ điện; tái tận dụng phân tôm lên men; lên men thức ăn, chất thải ít sinh khí độc; tự tái tạo ôxy bằng vi sinh quang hợp và tảo. Hạn chế cả việc thay nước; đặc biệt là hạn chế hóa chất, nói không với Chlorine xử lý nước”, TS Lê Quang Huy kết luận.

Ngọc Duyên

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.