Chuỗi sản phẩm tôm nước ta về chế biến đã thuộc hàng tiên tiến của thế giới nhưng khâu nuôi vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó thách thức lớn nhất là giống và thức ăn.
Giống chiếm 8 – 10% giá thành nhưng quyết định thành bại
Theo Cục Thủy sản, trong cơ cấu giá thành nuôi tôm nước lợ, con giống chỉ chiếm 8 – 10% nhưng mang tính quyết định sự thành công. Tỷ lệ sống của tôm cao là thành công, còn thấp thì thất bại. Thực tế, tỷ lệ sống của tôm nuôi nước ta hiện nay còn thấp do chất lượng con giống không ổn định, quy mô nuôi nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo và hay phát sinh dịch bệnh.
Các kỹ thuật viên kiểm tra sự sinh trưởng của ấu trùng tôm. Ảnh: PTC
Một trong những nguyên nhân tôm giống chất lượng chưa cao và không ổn định là do nguồn tôm bố mẹ phụ thuộc nhập khẩu, chỉ phần nhỏ gia hóa trong nước. Số liệu của Cục Thú y cho thấy, năm 2023 nước ta nhập khẩu 135.758 con tôm giống bố mẹ (gồm 236 con tôm sú và 135.522 con tôm thẻ chân trắng); 163.600 ấu trùng tôm để nuôi thương phẩm (gồm 39.600 ấu trùng tôm sú và 124.000 ấu trùng tôm thẻ chân trắng). Trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu 10.019 con tôm giống bố mẹ (gồm 322 con tôm sú và 9.697 con tôm thẻ chân trắng); 22.000 ấu trùng tôm sú để nuôi thương phẩm. Tính ra, tôm thẻ chân trắng bố mẹ phụ thuộc vào nhập khẩu 83,5 %, con số này với tôm sú là 16,5%.
Về sản xuất và ương dưỡng giống tôm nước lợ, năm 2023 cả nước có 2.270 cơ sở, sản xuất được 153 tỷ con. Trong đó, chỉ có 27 cơ sở sản xuất tôm giống được công nhận an toàn dịch bệnh với sản lượng 38 tỷ tôm post/năm. Khoảng 40% cơ sở chưa được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản theo quy định của Luật Thuỷ sản nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch. Đây là những cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ lẻ đầu tư thấp, không đảm bảo quy chuẩn, sẵn sàng bán giá rẻ, khuyến mãi cao để cho lưu thông giống kém chất lượng, dễ gây bùng phát dịch bệnh.
Nhiều báo cáo hiện đánh giá, tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam chỉ khoảng 40%. Có nghĩa, 60% còn lại không thành công là do bị lỗ các chi phí giống, xử lý nước, điện, thức ăn, đây là con số không hề nhỏ của ngành nuôi tôm và cả xã hội.
Giá tôm cao do thức ăn
Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết: “Giá xuất khẩu tôm Ấn Độ luôn thấp hơn Việt Nam 10 – 15%, còn tôm Ecuador thấp hơn 30 – 35%”. Lâu nay thường so sánh giá tôm nuôi giữa các quốc gia bằng phép tính với các ao nuôi thành công chứ chưa tính bình quân tổng số ao nuôi (gồm cả ao nuôi thành công và ao nuôi thất bại). Nếu tính đầy đủ thì giá thành tôm nuôi của Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với Ecuador.
Giá thành tôm nuôi của Việt Nam cao hơn Ecuador, chủ yếu do Ecuador nuôi ao đất với trang trại lớn, thả giống thưa nên tận dụng được cỡ 25% thức ăn tự nhiên. Nuôi thưa thì tôm ít bị stress, giảm chi phí thuốc và chất bổ sung tăng sức khỏe cho tôm, dịch bệnh cũng ít, chi phí lao động giảm. Còn nuôi tôm ở nước ta mật độ rất cao, hầu như không tận dụng được thức ăn tự nhiên, chi phí thức ăn lớn và tôm bị stress phải sử dụng nhiều thuốc cùng chất bổ sung khác.
Bên cạnh đó, hơn 90% nông dân nuôi tôm thiếu vốn nên phải dựa vào đầu tư của đại lý, dẫn đến giá thức ăn cao. Có chuyên gia tính toán, thức ăn nuôi tôm nếu mua bằng tiền mặt là 30.000 đồng/kg, thì qua đầu tư của đại lý nâng lên 45.000 đồng/kg (cao hơn 50%). Trong giá thành tôm nuôi hiện nay ở nước ta, chi phí thức ăn chiếm khoảng 64%.
Phấn đấu nuôi thành công 65% và giảm giá thành
Mục tiêu được nhiều người có trách nhiệm trong ngành tôm nước ta đang đặt ra là cố gắng nâng tỷ lệ nuôi thành công từ 40% hiện nay lên 65%. Trước tiên cần kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng tôm giống. Lãnh đạo Cục Thủy sản cho biết, sẽ phối hợp với các địa phương và các cơ quan chức năng khác tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện sản xuất, chất lượng con giống tại các cơ sở và lưu thông trên thị trường.
Thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của thủy sản tại ao nuôi. Ảnh: Shutterstock
Khuyến cáo các cơ sở sản xuất giống có quy mô nhỏ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước cấp, nước thải, đảm bảo an toàn sinh học trong sản xuất; áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng và tỷ lệ sống. Yêu cầu cơ sở cung cấp tôm giống có đội ngũ kỹ thuật tư vấn, có trách nhiệm với khách hàng để đồng hành với người nuôi và kịp thời hỗ trợ trong trường hợp cần thiết. Đạt được điều này sẽ hạn chế nhiều rủi ro về con giống, tạo cơ sở nâng cao tỷ lệ nuôi thành công.
Chú trọng số hóa dữ liệu về tôm giống để người nuôi và cơ quan quản lý tra cứu, truy xuất thông tin xuất xứ, chất lượng, góp phần ngăn chặn con giống kém chất lượng. Tiếp tục nghiên cứu gia hóa tôm bố mẹ có khả năng chống chịu tốt với dịch bệnh, có năng suất cao.
Giải bài toán về thức ăn cho tôm để giảm giá thành, cần quan tâm tới thực trạng phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn. Nhu cầu nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản của nước ta một năm khoảng 6 triệu tấn, trong nước mới đáp ứng khoảng 35%, còn 65% nhập khẩu.
Hiện nay, một số doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ để tăng giá trị dinh dưỡng, thay thế nguyên liệu đắt tiền trong sản xuất thức ăn thủy sản. Bộ NN&PTNTđã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có định hướng phát triển thức ăn thủy sản. Các địa phương khuyến khích hợp tác xây dựng trang trại lớn, có doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt tạo chuỗi phát triển ổn định.
Thêm một vấn đề được nhiều người trong ngành quan tâm là, Việt Nam đã có khá đầy đủ các chính sách định hướng phát triển đúng, quy định pháp luật quản lý nghiêm. Tuy nhiên, việc thực thi cần rõ ràng trách nhiệm để đạt hiệu quả cụ thể.
Sáu Nghệ
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn