Quanh vườn trồng cây ăn trái và rau xanh, dưới ao ông Nguyễn Hồng Thái, ở ấp Phụng Sơn, xã Song Phụng, huyện long Phú (Sóc Trăng) tận dụng nuôi ốc bươu đen bằng hình thức sinh thái. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Mô hình nuôi ốc bươu đen sinh thái, hay còn gọi là nuôi thả lan trong ao, được ông Nguyễn Hồng Thái triển khai thực hiện với diện tích trên 200 m2 ao đầm. Ban đầu, ông chỉ mua 2 kg, khoảng 50 – 60 con ốc giống, thả vào ao trước sân nhà nuôi thử nghiệm, thức ăn cho ốc chủ yếu là chuối chín, rau, củ dư thừa (nhất là nhà ông có vườn ổi trên 2 công, lúc ổi mất giá, hay trái hư, ông hái cho ốc bươu đen ăn, đó là món ăn khoái khẩu nhất của ốc bươu đen), nuôi khoảng 1 tháng, ông thấy ốc phát triển tốt và còn sinh sản khá nhiều. Ông Thái chia sẻ: “Được tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả do hội nông dân tổ chức, tôi nhận thấy mô hình nuôi ốc bươu đen có hiệu quả vì chi phí thấp, tận dụng được điều kiện sẵn có của gia đình. Nuôi thử trong ao thấy ốc mau lớn, lại ít hao hụt, đầu ra ốc thương phẩm tương đối ổn định, nên tôi mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình này”. Ông Thái cho biết, ốc bươu đen đẻ quanh năm, nhiều nhất vào mùa mưa từ tháng 6 đến 11 hàng năm. Trứng mới đẻ có màu trắng trong và chuyển sang trắng đục khi sắp nở. Sau khi trứng nở, ốc con rơi xuống nước, sau vài ngày vỏ cứng dần, chúng tự bò đi kiếm chất hữu cơ phân hủy trong nước để ăn và lớn dần. Khoảng 5 – 6 tháng tuổi, ốc trưởng thành có thể thu hoạch khoảng 25 – 30 con/kg. Cách làm của ông Thái là không để ốc đẻ tự nhiên và tự nở trong ao đầm, mà cứ sau 5 – 7 ngày là ông xuống thu trứng ốc đẻ ngoài ao, sau đó bỏ vào rổ lót vải tạo độ ẩm thích hợp giống như bên ngoài thiên nhiên và để lên thùng dưới đáy là nước cho ốc nở thành con rơi xuống nước, nuôi khoảng 1 tuần thì cho ra ao, nhờ đó mà ông đã thành công cho ốc nở theo ý muốn, đạt đầu con. Nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên như: lục bình, bông súng, cỏ, rơm; ngoài ra, ốc còn ăn vỏ mít, bầu, bí và món khoái khẩu nhất là trái ổi, hay các loại trái cây, rau, quả khác.
Buổi trưa nắng những vẫn thấy ốc lên kiếm ăn. Ảnh: Chanh Tha
Ông Thái chia sẻ thêm: “Đối với ao có mực nước từ 0,5 – 1m, thả nuôi từ 80 – 100 con/m2. Đối với ao có mực nước từ 0,8 – 1,5m đáp ứng đầy đủ các yếu tố và có bổ sung thức ăn, vi sinh xử lý môi trường, nên thả mật độ từ 100 – 130 con/m2. Theo kinh nghiệm của ông Thái, mỗi ngày nên cho ốc bươu đen ăn vào 2 thời điểm: buổi sáng tầm 7 giờ (cho ăn 30 – 40% lượng thức ăn trong ngày); buổi tối tầm 17 giờ chiều (cho ăn 60 – 70% lượng thức ăn trong ngày). Ốc bươu đen đang là loại thực phẩm rất được thị trường ưa chuộng. Nuôi ốc bươu đen đang là một hướng phát triển kinh tế mới, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ mô hình này, kỹ thuật nuôi ốc bươu đen được đánh giá là khá đơn giản, cách chăm sóc không quá phức tạp. Với diện tích ao nuôi khoảng 200m2, thời gian khoảng 1 tuần – 10 ngày, ông Thái thu hoạch ốc bươu đen 1 lần, khoảng 45 – 50 kg ốc thương phẩm, thương lái đến cân tại nhà với giá từ 45.000 đồng – 50.000 đồng/kg. Mỗi tháng cho thu nhập đều đặn từ 6,5 – 7,5 triệu đồng. Như vậy, người nông dân nuôi ốc bươu đen không lo sợ tốn chi phí thức ăn, không tốn công chăm sóc, lại cho thu nhập khá cao và đều đặn…
Ốc bươu đen trước đây sinh sống rất nhiều trong ao, mương, vườn, ruộng tự nhiên, nhưng hiện nay, do môi trường tác động, nên số lượng ốc trong tự nhiên sụt giảm đáng kể, chỉ có người nuôi mới có. Đặc biệt, là món ốc bươu đen xuất hiện từ quán ốc vỉa hè cho đến các bữa ăn sang trọng, nên nhu cầu về ốc rất lớn, do đó, người nuôi ốc không hề lỗ vốn.
Chanh Tha
Nguồn: Báo Sóc Trăng