Người nuôi tôm tại các địa phương hiện đang nhộn nhịp chuẩn bị cho vụ mới. Năm nay dự báo cho ngành hàng tôm đã có những chuyển biến tích cực, giá tôm nguyên liệu ở mức tốt, tuy nhiên, vẫn còn nỗi lo khiến không ít người nuôi đắn đo trước vụ mới.
Vấn nạn tôm “lậu” chưa dứt
Tôm nhập lậu, kém chất lượng vẫn là nỗi lo lớn nhất của người nuôi khi mà con giống là một yếu tố quan trọng trong thành – bại của mỗi vụ sản xuất. Thế nhưng, dù đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, con đường của tôm lậu vẫn chưa hoàn toàn bị triệt phá.
Người nuôi nên chọn mua con giống rõ nguồn gốc, chất lượng. Ảnh VM
Từ đầu năm đến nay, tại các tỉnh trọng điểm nuôi tôm vùng ĐBSCL như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… người dân bắt đầu vào vụ thả tôm mới, nhu cầu tôm giống rất lớn. Sản lượng tôm giống sản xuất tại địa bàn không đủ, vậy nên tôm giống từ các tỉnh miền Trung vận chuyển vào khu vực này bán cho người nuôi càng ngày càng tăng. Điều đáng ngại là trong số lô hàng tôm đạt yêu cầu thì vẫn còn lượng lớn tôm giống hoàn toàn không đảm bảo.
Điển hình, vừa qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Bạc Liêu đã phát hiện và tiêu hủy hơn 2 triệu con tôm giống không rõ nguồn gốc, không giấy kiểm dịch chất lượng, được vận chuyển từ tỉnh Ninh Thuận vào Bạc Liêu. Đợt trước đó, tỉnh Bạc Liêu cũng tổ chức tiêu hủy hơn
530.000 con tôm giống không có giấy kiểm dịch chất lượng.
Theo Thanh tra Sở NN&PTNT Bạc Liêu, từ đầu năm tới nay, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan phát hiện và tiêu hủy 6 xe vận chuyển tôm giống không có giấy kiểm dịch, số lượng hơn 10 triệu con.
Tôm giống chưa qua kiểm dịch thường mang các mầm bệnh nguy hiểm và gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm. Các cơ quan chức năng của tỉnh Bạc Liêu mạnh tay xử lý, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi tôm. Tuy nhiên, điều người nuôi băn khoăn là liệu còn chuyến xe nào bị lọt?
Nhiều điểm yếu khó khắc phục
Đây vẫn luôn là điều trăn trở của cả ngành, doanh nghiệp và bà con nuôi tôm nước ta. Tại một hội nghị tôm được tổ chức mới đây, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhận định, giá thành hiện là vấn đề lớn của ngành tôm.
Ông Sử cho biết thêm, khả năng đóng góp lớn vào việc giảm giá thành nằm ở khâu tổ chức sản xuất. Liên kết chuỗi cũng là một phần, nhưng chúng ta không hy vọng nhiều lắm, mà vấn đề ở kỹ thuật nuôi. Nếu nuôi thâm canh và siêu thâm canh mà để tỷ lệ rủi ro (tôm chết trong quá trình nuôi) như hiện nay thì chi phí cũng khó. Chỉ có kéo tỷ lệ rủi ro này xuống thì mới hy vọng giá thành nuôi tôm sẽ giảm.
Một điểm khó nữa trong nuôi tôm hiện nay là nguồn vốn khi mà các ngân hàng không mặn mà lắm với các khách hàng thuộc lĩnh vực này. Chưa kể, cơ sở hạ tầng chưa được cải thiện cũng “góp phần” kéo hiệu quả nuôi tôm đi xuống.
Khó khăn thì nhiều trong khi bản thân con tôm cũng khá “đỏng đảnh”. Chỉ cần thời tiết đột ngột biến đổi, ao tôm sẽ rất khó xoay chuyển. Hiện nay, tại vùng trọng điểm nuôi tôm ĐBSCL, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rất lớn. Đây là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh trên tôm nuôi bùng phát. Để ứng phó tình trạng này, các địa phương và người nuôi tôm phải gấp rút đưa biện pháp để ổn định môi trường nuôi, bảo vệ đàn tôm.
Trước dự báo tình hình thời tiết diễn biến bất thường, Chi cục Thủy sản Bạc Liêu đã có văn bản gửi các địa phương. Trong đó, khuyến cáo người nuôi chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nuôi trồng thủy sản, chỉ thả giống khi điều kiện thời tiết thích hợp. Tăng cường quản lý chặt chẽ vùng, cơ sở nuôi; tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi nhằm hỗ trợ, phục vụ người dân bơm nước cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm. Cùng đó, không nuôi thủy sản tại những nơi nguồn nước không đảm bảo chất lượng, thả giống với mật độ hợp lý và có biện pháp chăm sóc đúng kỹ thuật để hạn chế thiệt hại do nắng nóng và các hiện tượng thời tiết bất thường gây ra. Đồng thời, Chi cục cũng cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp về các vùng nuôi hướng dẫn các hộ thực hiện tốt các biện pháp chống nóng, giảm nhiệt và áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc để nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi, hạn chế dịch bệnh xảy ra.
Nằm giữa “tâm” nóng, đại diện Phòng NN&PTNT huyện Hòa Bình (Bạc Liêu), cho biết đơn vị cũng đã nhanh chóng đưa giải pháp kỹ thuật tới từng vùng nuôi, trong đó chú trọng về điều kiện thả giống, mật độ, khẩu phần ăn, chế độ chăm sóc…
Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp nuôi tiên tiến, tuy nhiên, nuôi tôm chưa bao giờ là nghề dễ dàng, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu đang ngày một rõ rệt, dù khoa học công nghệ đã phủ rộng các ao đầm, thế nhưng, con tôm vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi thảm cảnh “đánh bạc với giời”, được – mất của vụ nuôi là điều mà chính người nuôi cũng khó nắm bắt.
Bảo Hân
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn