Ngày 17/4/2024, tại Khách sạn Sơn Long Thuận, tỉnh Ninh Thuận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị quản lý giống tôm nước lợ và ký kết quy chế phối hợp năm 2024. Đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT và đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị là dịp để tỉnh và các địa phương ven biển cùng các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, DN được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Hy vọng, sau hội nghị, công tác quản lý giống tôm nước lợ sẽ đạt nhiều bước tiến mới, hợp tác toàn diện, thúc đẩy sự phát triển chung của ngành tôm Việt Nam.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe một số đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT báo cáo kết quả về công tác quản lý giống tôm nước lợ, kết quả thực hiện Quy chế phối hợp năm 2023, giải pháp quản lý năm 2024 và các năm tiếp theo; kết quả quản lý dịch bệnh, kiểm dịch giống tôm nước lợ và xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống an toàn dịch bệnh năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024; đánh giá kết quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong chọn tạo giống tôm nước lợ và định hướng nâng cao chất lượng giống tôm nước lợ những năm tới.
Thông qua hội nghị, Đại diện cơ quan quản lý một số địa phương, các DN, hiệp hội tham luận về hiện trạng sản xuất, quản lý giống tôm nước lợ và tổ chức ký kết Quy chế phối hợp công tác quản lý giống tôm nước lợ năm 2024 giữa các địa phương, với 6 nội dung phối hợp chính là: xây dựng văn bản, chính sách về quản lý; giải quyết vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước; thống kê và cung cấp thông tin, số liệu; kiểm tra về giống thuỷ sản trong quá trình thực hiện; giải quyết khiếu nại, tố cáo về giống tôm nước lợ trong quá trình quản lý.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nhấn mạnh: Năm 2024, dự báo ngành tôm vẫn có thể tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tác động của hậu covid và xung đột địa chính trị dẫn đến giá vật tư, xăng dầu tiếp tục tăng cao do sự bất ổn trên thế giới. Biến đổi khí hậu khắc nghiệt hơn năm 2023 với tăng cao dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn. Đây là nguyên nhân gây ra những yếu tố bất lợi cho tôm nuôi, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và gây khó khăn cho sản xuất. Bên cạnh đó, dịch bệnh trên tôm cũng được dự báo diễn biến phức tập, gây khó khăn cho sản xuất như bệnh vi bào tử trùng, bệnh mờ đục tôm…. Trước bối cảnh đó, đòi hỏi công tác quản lý tôm giống phải được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, an toàn với dịch bệnh, góp phần đem lại hiệu quả sản xuất của ngành tôm.
Đồng chí Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, địa phương và các hiệp hội, cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ cần chủ động nguồn tôm bố mẹ từ sản xuất trong nước; cần có giải pháp trong quản lý, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các điều kiện để chủ động sản xuất trong bối cảnh và tình hình mới. Đặc biệt là tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất giống tôm nước lợ, các quy định về sử dụng chất cấm, thuốc, hóa chất trong sản xuất giống tôm nước lợ, nâng cao chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc… Đề nghị Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, địa phương và các hiệp hội, cơ sở sản xuất cơ cấu lại tổ chức sản xuất lại theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở tôm giống nhỏ lẻ thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn và phát triển phải đảm bảo chất lượng, an toàn sinh học, dịch vụ tốt
Công tác tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Thuỷ sản và các văn bản hướng dẫn, nhất là những điểm mới về quản lý giống tôm nước lợ tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP và Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT./.
Cơ Nguyên
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn