Ninh Bình: Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng ước đạt 34.800 tấn

0

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình, sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, tiếp tục khẳng định vị trí mũi nhọn của ngành nông nghiệp. Thời tiết diễn biến tương đối thuận lợi, không có dịch bệnh xảy ra nên các loại thủy sản nuôi phát triển tốt.

Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình luôn chú trọng tập trung phát triển các đối tượng nuôi phù hợp với từng vùng sinh thái và nuôi theo hướng tuần hoàn, an toàn, ứng dụng công nghệ cao; tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường. Nhờ vậy, sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm nay tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 34.800 tấn, tăng 5,2% (tăng 1.700 tấn) và đạt 49,2% kế hoạch năm 2024. Trong đó, sản lượng cá khoảng 18.000 tấn, tăng 5,0% (tăng 900 tấn); tôm ước đạt 1.000 tấn, tăng 14,6% (tăng 100 tấn), các loài thủy sản khác ước đạt 15.000 tấn, tăng 4,7% (tăng 700 tấn).

Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 31.300 tấn, tăng 5,1% (tăng 1.500 tấn) so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng ngao đạt gần 13.000 tấn, tăng 4,5 % (tăng 600 tấn); sản lượng tôm thẻ ước đạt 600 tấn, tăng 8,1% (50 tấn). Sản lượng thuỷ sản khai thác đạt 3.500 tấn, tăng 5,9% (tăng 200 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Riêng sản lượng tôm tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái là do nhiều hộ nuôi đã áp dụng hiệu quả mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh. Bên cạnh đó, việc phát triển nuôi tôm càng xanh ở huyện Nho Quan và TP Tam Điệp bước đầu thu hút được nhiều hộ tham gia, diện tích nuôi được mở rộng. Từ việc chỉ quen nuôi các loại cá trắm, cá chép truyền thống nặng vốn đầu tư cám, giống, một số nông dân tại đây đã tiếp cận với mô hình nuôi tôm càng xanh, loại thủy sản dễ nuôi, ít chi phí đầu tư, dễ tiêu thụ, giá trị kinh tế cao.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Ảnh: ST

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Ảnh: ST

Huyện Kim Sơn là địa phương ven biển duy nhất của tỉnh Ninh Bình có diện tích mặt nước lớn với nhiều lợi thế nuôi trồng thủy sản. Cùng với định hướng và chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh, nhiều hộ nuôi tôm ở các xã ven biển huyện Kim Sơn đã quyết định đầu tư nhà bạt, áp dụng công nghệ tiên tiến để phát triển mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh thích ứng với thời tiết khí hậu vùng ven biển để nâng cao thu nhập. Không chỉ vậy, với hàng nghìn héc ta cồn bãi liên tục được phù sa bồi đắp, cùng điều kiện thuận lợi về dòng chảy, độ mặn, nghề nuôi ngao ở huyện Kim Sơn đã phát triển mạnh trong nhiều năm qua. Năm 2022, vùng nuôi ngao nguyên liệu huyện Kim Sơn (vùng nuôi liên kết HASUVIMEX) được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu (Control Union) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC) với diện tích được chứng nhận 839 ha. Đây là sự xác nhận thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động. Ngoài ra, nhãn hiệu chứng nhận hàu giống Kim Sơn đã được xây dựng thành công, khẳng định thương hiệu thủy sản Ninh Bình trên cả nước.

Ninh Bình cũng là địa phương sản xuất giống nhuyễn thể đứng đầu cả nước, cung cấp ổn định cho các tỉnh miền Nam, miền Trung và Quảng Ninh. Các đối tượng thủy sản nước ngọt, nước lợ có giá trị kinh tế cao được tập trung phát triển mạnh như cá chạch sụn, rô đồng, ếch, ốc nhồi, tôm thẻ chân trắng thương phẩm. Được biết, năm 2024, ngành thủy sản Ninh Bình phấn đấu tổng sản lượng đạt 70.800 tấn, giá trị sản xuất trên 2.300 tỷ đồng; Ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, gắn kết nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ để phát triển mạnh mẽ kinh tế thủy sản.

Nam Linh

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.