Năm đó, gia đình tôi sống ở một thị trấn nhỏ gần biển. Tuổi thơ của tôi cũng vì thế là một mảng ký ức màu rêu, rất rõ nét. Tôi luôn hoài niệm về mảng ký ức màu rêu ấy, như một phần quý giá trong trí nhớ. Không bao giờ muốn bôi xóa và càng không bao giờ muốn lãng quên, kể cả sau này khi đã vào Sài Gòn học, tôi vẫn mang theo hình ảnh đó, về một miền quê yên bình.
Sài Gòn buổi sáng mùa hè thật không yên ắng như ở quê tôi, nhưng cũng cho tôi cái cảm giác trong veo, thân thuộc… như ngày xưa ấy.
Tôi nhớ những buổi sáng trong xanh đầu hè hớt ha hớt hải chạy ra biển đúng giờ tàu đánh cá ngư dân về, trong đó có ba tôi. “Ba”. Tôi chỉ kịp kêu lên rồi chạy đến ôm chặt ba. Mỗi lúc đó, tôi nhận ra hạnh phúc thật đơn giản, chỉ cần một vòng tay, một ánh mắt… của duy nhất một người mình thương yêu. Tôi cũng nhớ bãi cát là nơi mẹ thường trải lưới, gỡ cá, mực sau mỗi lần ba về. Tôi hậu đậu, hay bị vảy cá đâm vào tay nhưng vẫn thích được ngủ quên trong lòng thuyền mát lạnh. Nhưng từ ngày ba tôi không còn khỏe mạnh nữa buộc phải bỏ nghề biển thì ông chuyển sang câu cá gần bờ, chẳng thu nhập được bao nhiêu nhưng ông bảo đó là thú tiêu dao mà thiên nhiên nơi đây ban tặng cho con người. Cảnh cũ, người cũ, mọi thứ dần thay đổi, duy chỉ có làng chài này vẫn cả đời ngã lưng vào sóng, nhìn cánh hải âu chở nắng triền miên.
Tôi cũng nhớ những cơn mưa rào ngày xưa. Mưa Sài Gòn bây giờ thất thường lắm, giữa trưa đang nắng gắt vậy mà chỉ một hai tiếng đồng hồ sau nhìn qua khung cửa thấy mưa rơi thiệt nhẹ bên ngoài, nhưng cũng đủ làm tôi thấy se se lạnh và cũng thật ấm như những lần mưa trút nước ở quê vậy. Cũng có lúc tôi đang chờ xe bus thì mưa ập xuống, rồi tự nhiên bật cười nhớ mưa trung thu năm lớp 9 tôi nhận được món quà đặc biệt từ mẹ.
Những ngày còn đi học, mẹ luôn là người quan tâm lo lắng cho tôi nhiều nhất. Từ những hành động rất nhỏ, nhưng lại chứa đựng trong đó nhiều ý nghĩa lớn lao. Nó giống như một món quà được đóng gói vào một chiếc hộp. Và những lúc rảnh rỗi bạn lại muốn mở ra xem.
Tôi cũng có một chiếc hộp tuổi thơ như thế…
Chính xác là một chiếc hộp đựng đầy những con ốc biển. Chiếc hộp mà mẹ tôi đã tỉ mỉ ghi lại những kỷ niệm của tôi với ba mẹ suốt từ nhỏ đến lớn.
Một buổi chiều hè, tôi đã mở chiếc hộp ấy ra. Và đọc hết tất cả những mảnh giấy nhét trong từng con ốc. Kỳ lạ là hầu hết những mảnh giấy đó đều không phải ghi lại những chuyện trọng đại, toàn những thứ rất li ti nhỏ xíu. Như ly trà chanh vừa ngọt vừa ấm mà mẹ pha hôm tôi đi học về giữa trưa nắng gắt. Như chiếc bánh mì tôi nướng cho ba, bị cháy. Như loại nước dâu tây hồi bé tôi thích, rồi tự làm mời ba mẹ uống. Khi viết tất cả những điều ấy ra, tôi biết mẹ rất thương ba và tôi, chỉ có tình thương thật sự mới khiến mẹ nhớ hết nhiều kỷ niệm không tên như vậy.
Có những mảnh giấy dày đặc chữ cũng có những mảnh giấy chỉ vỏn vẹn 3 chữ “mẹ yêu con”. Và có những mảnh giấy không có chữ nào, chỉ là hình trái tim, hình cầu vồng và nhiều hình khác nữa tôi không biết tên.
Chiếc hộp ấy đã len lỏi vào ký ức tôi như thế, nhẹ nhàng, nhưng lại có sức ảnh hưởng kỳ lạ. Từ những con ốc biển, tôi nghe bên tai là thanh âm của nắng, của sóng, hòa với tiếng lá cây lao xao ngoài cửa sổ và cả tiếng trở mình của gió đêm, như vọng về giữa lưng chừng mùa nhớ.
Những cảm xúc ấy, tôi tự hỏi mình có chăng là cảm xúc đầu tiên khiến tôi yêu thương một người và yêu gia đình mình nhiều như vậy, yêu thương đôi khi chẳng cần biết đến lý do, như mưa kia đâu biết vì sao nó trút xuống, như nắng đâu biết vì sao chợt lóe lên, như những con ốc biển tự nhiên đẹp và bình yên lạ lùng trong ký ức của tôi. Vẫn như ngày còn bé, mỗi khi mở chiếc hộp ra xem nâng niu những con ốc trên tay, tôi lại thấy mình lớn hơn một chút, biết yêu thương nhiều hơn một chút.
Bây giờ tôi đã lớn, đã đi làm, chiếc hộp ốc biển tôi vẫn để trong phòng mình, để thỉnh thoảng tôi nhặt một mảnh kỷ niệm bất kỳ ra đọc rồi cười tủm tỉm. Và sẽ gọi nhau ấm áp, yêu thương khi lại đọc một mảnh kỷ niệm khác mới tinh mà mẹ vừa bí mật thả vào mỗi khi tôi về nhà. Những con ốc biển nhỏ xíu như những hạt cát bị vùi lấp bởi thời gian, nhưng chắc chắn nó sẽ chẳng bao giờ bị vùi lấp bởi những người đã từng rất thương yêu nó.
Phong Lin
Nguồn: Báo Bình Thuận