Tháng 7/2024, xuất khẩu sò điệp yesso của Nhật Bản tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 6.465 tấn, đánh dấu sự tăng trưởng đầu tiên trong 5 tháng qua.
Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, mặc dù khối lượng xuất khẩu tăng, nhưng giá trị xuất khẩu giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 4,41 tỷ yên. Nguyên nhân do Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản, áp đặt lệnh cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản do vụ xả thải nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Điều này buộc Nhật Bản phải chuyển hướng tìm kiếm các thị trường thay thế.
Sò điệp Nhật Bản tiếp tục được ưa thích tại Đông Nam Á
Đông Nam Á nổi lên là thị trường tiềm năng, trong đó điểm sáng là Việt Nam và Thái Lan. Tháng 7, xuất khẩu sò điệp nguyên vỏ sang Việt Nam đạt 3.360 tấn, tăng đáng kể so với 73 tấn của cùng kỳ năm trước, giá cũng tăng đều đặn, từ 140 yên vào tháng 3 lên 313 yên/kg vào tháng 7. Xuất khẩu sang cũng Thái Lan tăng vọt, từ 11 tấn lên 1.242 tấn.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng ghi nhận nhập khẩu tăng, với 897 tấn vào tháng 6 và 384 tấn vào tháng 7, khẳng định vị thế là một thị trường quan trọng. Tuy nhiên, xuất khẩu thịt sò điệp đông lạnh trong tháng 7 giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, còn 1.133 tấn, giá trị giảm 21% xuống còn 2,72 tỷ yên.
Dù xuất khẩu thịt sò điệp sang Mỹ tăng mạnh 192%, đạt 308 tấn, và tiếp tục xu hướng tăng trưởng trong hơn 24 tháng liên tiếp, ngành công nghiệp sò điệp Nhật Bản vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu sò điệp giảm lần lượt 41% và 37% so với cùng kỳ, đạt 32.695 tấn và 24,5 tỷ yên.
Do đó, chính phủ Nhật Bản đã thông báo gói cứu trợ trị giá 100,7 tỷ yên, tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức hơn 1.400 cuộc đàm phán kinh doanh giữa các nhà mua hàng quốc tế và các nhà khai thác thủy sản Nhật Bản trong năm tài chính 2023.
Trong khi Trung Quốc vẫn là một thị trường khó thay thế, JETRO kỳ vọng rằng thiệt hại có thể được giảm thiểu phần nào trong thời gian tới. Đặc biệt, sản lượng thu hoạch sò điệp tại bờ biển Okhotsk, một trong hai khu vực cung cấp chính của Hokkaido, đạt 214.134 tấn tính đến cuối tháng 8, chiếm 70% kế hoạch của mùa vụ 2024. Riêng trong tháng 8, sản lượng đạt khoảng 53.800 tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù vậy, ngành sò điệp Nhật Bản vẫn phải tiếp tục nỗ lực để tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới, nhằm bù đắp cho sự mất mát từ Trung Quốc.
An Vy (Theo UCN)
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn