Tháng 5/2024, Nhật Bản đẩy mạnh xuất khẩu sò điệp nguyên liệu đông lạnh sang Việt Nam và Thái Lan, trong khi Mỹ và Đài Loan “tích cực” mua thịt sò điệp.
Ngành sò điệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu với nhiều đơn hàng thịt sò điệp đông lạnh được gửi sang Mỹ và Đài Loan, sò điệp nguyên liệu đông lạnh chuyển về Đông Nam Á, Việt Nam và Thái Lan.
Khai thác sò điệp tại Hokkaido, Nhật Bản. Nguồn: Keiji Kawamura/ PIXTA.
Kể từ tháng 8/2023 khi Nhật Bản quyết định xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra đại dương, Trung Quốc – vốn là thị trường xuất khẩu sò điệp lớn nhất của Nhật Bản – đã áp dụng cấm vận đối với thủy sản nước này, khiến đất nước mặt trời mọc phải loay hoay đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sò điệp.
Theo dữ liệu hải quan của Bộ Tài chính Nhật Bản, giá xuất khẩu sò điệp nguyên liệu đông lạnh có vỏ đạt 225 JPY/kg (1,65 USD/kg) trong tháng 5/2024, đánh dấu tháng thứ 2 giá tăng liên tiếp sau khi chạm đáy với 155 JPY/kg trong tháng 3.
Tháng 5/2023, xuất khẩu sò điệp có vỏ sang Việt Nam tăng 831% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.911 tấn. Giá trung bình giảm 52%, chỉ đạt 245 JPY/kg nhưng cao hơn 75% so với tháng 4 và tháng 3.
Đầu năm, Nhật Bản không ghi nhận đơn hàng sò điệp sang Thái Lan. Nhưng qua tháng 5, xuất khẩu sang nước này lập kỷ lục với 1.201 tấn, cao hơn 722 tấn so với cả năm 2023.
Xuất khẩu sò điệp nguyên liệu trong tháng 5 đạt 240 tấn, tăng 0,35 tấn so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó xuất khẩu thịt sò điệp đông lạnh giảm 52% với 657 tấn, tuy nhiên giá trung bình đạt 2.784 JPY/kg, tăng 94%.
Xuất khẩu sang Mỹ và Đài Loan tăng lần lượt 62% và 24%, đạt 156 tấn và 182 tấn. Giá trung bình tại Mỹ giữ nguyên ở mức 2.700-2.900 JPY/kg trong tháng 2-5, trong khi tại Đài Loan giá tăng từ 2.700 JPY/kg lên 3.300 JPY/kg.
Một nguồn tin tại Hokkaido cho biết: “Thực tế các nhà chế biến Trung Quốc là nhân tố đứng sau sự gia tăng mạnh mẽ của ngành xuất khẩu sò điệp Nhật Bản. Bởi trước khi lệnh cấm được ban hành, Trung Quốc là thị trường số 1 của sò điệp nguyên liệu Nhật Bản với giá cao. Hiện, hàng tồn kho đã hết, buộc họ phải chuyển sang đặt hàng từ Đông Nam Á để tiếp tục chế biến phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu sang Mỹ”.
An Vy (Theo UCN)
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn