Nhật Bản: Mở lối thị trường sò điệp

0

Lệnh cấm thương mại trên thị trường thủy sản vốn không còn xa lạ, nhưng cách mà ngành sò điệp Nhật Bản đối diện và giải quyết hậu quả của lệnh cấm đáng để học hỏi.

Tìm cơ hội gia công

Kể từ khi Trung Quốc phản đối việc xả nước thải đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển và hoàn toàn ngừng nhập khẩu các sản phẩm thủy sản Nhật Bản vào tháng 8/2023, Nhật Bản không chỉ mất thị trường ở Trung Quốc mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Việc tìm kiếm giải pháp khắc phục hậu quả của lệnh cấm là một nhu cầu cấp bách của ngành thủy sản Nhật Bản.

Trước tiên, để đối phó với việc Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm thủy sản Nhật Bản, 12 công ty chế biến sò điệp nước này đã bắt đầu khảo sát để tìm kiếm các cơ sở chế biến thay thế ở Việt Nam vào đầu năm 2024. Công tác khảo sát được tổ chức bởi Tổ chức Thương mại Đối ngoại Nhật Bản (JETRO). Theo nguồn tin từ Undercurrentnews, kể từ sau lệnh cấm của Trung Quốc, các nhà xuất khẩu sò điệp Nhật Bản đã lên kế hoạch gia công sò điệp tại Việt Nam và Thái Lan, sau đó vận chuyển 200 tấn thịt sò điệp đông lạnh sang Mỹ trong năm 2024. Chính phủ Nhật Bản cũng hỗ trợ các hoạt động gia công sò điệp tại một số quốc gia.

Từ cuối tháng 8/2023, ngành sò điệp Nhật Bản đã lên kế hoạch đa dạng hóa sản phẩm và quyết tâm giành thị phần “sò điệp tươi sống” tại thị trường Mỹ từ tay Trung Quốc Sau Hội chợ Triển lãm thủy sản Bắc Mỹ (SENA), 14 công ty xuất khẩu thủy sản Nhật Bản đã tới thăm các cơ sở chế biến tại thành phố Ensenada, bờ biển phía Tây Mexico trong 4 ngày. Hoạt động này nằm trong dự án thí điểm sản xuất sò điệp tại Mexico nhằm tái xuất sang Mỹ của JETRO.

Tiếp cận thị trường cao cấp

Nhật Bản đang xây dựng chuỗi cung ứng sò điệp Hokkaido đến bờ tây Mỹ thông qua các nhà máy chế biến ở Mexico. Đây là chiến lược giải cứu ngành sò điệp sau lệnh cấm của Trung Quốc, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cao cấp hơn có giá bán gấp đôi.

Trong chuyến thăm các nhà máy chế biến hải sản ở Ensenada, Mexico, đại diện JETRO đã tuyên bố cung cấp cho mỗi nhà máy chế biến 1 tấn sò điệp đông lạnh từ Hokkaidai và tư vấn phương pháp chế biến cùng thiết bị. Bà Minerva Perez Castro – Giám đốc công ty chế biến thủy sản Atenea en el Mar tại Mexico cho biết, công ty sẽ lên kế hoạch tăng số lượng công nhân sau khi quá trình chế biến sò điệp bắt đầu. Hiện doanh nghiệp này đang xuất khẩu 40 tấn nghêu và bào ngư mỗi tháng. Đây là lần đầu tiên họ xử lý sò điệp từ Nhật Bản – mặt hàng đang được ưa chuộng tại Mỹ như một thực phẩm xa xỉ.

Thành phố Ensenada có nhiều nhà máy chế biến hải sản, trong đó có đơn vị đạt chứng nhận của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Sò điệp có thể được giao trong vòng 24 giờ sau khi chế biến đến các nhà hàng ở Los Angeles và các mạng lưới phân phối đồ đông lạnh cho các thành phố khác của Mỹ như New York. Sò điệp chế biến ở Mexico được vận chuyển đến Mỹ dưới dạng “khô”, nghĩa là chưa được chế biến bằng phosphate giống như ở Trung Quốc nên có thể dùng làm món sushi. Đại diện JETRO tại Mexico cho biết, giá sò điệp khô cao gấp đôi giá sò điệp ướt.

Hiện, các nhà hàng giá rẻ gốc Hoa ở Mỹ đang tiêu thụ 80% sò điệp Hokkaido. Nhưng sò điệp khô chế biến tại Mexico nhắm đến đối tượng khách hàng cao cấp hơn ở Mỹ là các siêu thị và nhà hàng sushi. Quá trình vận chuyển hải sản từ Ensenada, Mexico đến Los Angeles mất 5 giờ nên đảm bảo sò điệp vẫn tươi ngon mà không cần cấp đông lại. Bằng con đường này, sò điệp Nhật Bản dễ dàng đáp ứng nhu cầu trên khắp nước Mỹ. JETRO cũng tổ chức tiệc giới thiệu sản phẩm sò điệp sống Hokkaido được chế biến ở Mexico trước đó 24 giờ đến toàn thể người tiêu dùng ở Los Angeles.

Xuất khẩu nhảy vọt

Trước đây, sò điệp Nhật Bản thường được bóc vỏ, chế biến tại các cơ sở của Trung Quốc rồi tái xuất sang Mỹ. Chỉ riêng năm 2022 – 2023, Mỹ đã nhập khẩu hơn 100 triệu USD sò điệp Nhật Bản thông qua Trung Quốc. Tuy nhiên, do lệnh cấm nhập của Trung Quốc, tuyến đường này đã không còn khả dụng. Mỹ và Nhật Bản hy vọng duy trì mua bán sò điệp và các sản phẩm khác bằng cách chế biến thủy sản xuất khẩu tại Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc).

Theo dữ liệu của Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOOA), trong 4 tháng đầu năm 2024, Mỹ đã nhập khẩu 3.006 tấn sò điệp từ Nhật Bản, gấp đôi mức 1.782 tấn của cùng kỳ năm ngoái.

Nhật Bản đang chiếm thị phần lớn nhất với 35% trong tổng số 8.606 tấn sò điệp được nhập khẩu vào Mỹ từ tháng 1 đến tháng 4/2024. Con số này đã mang lại doanh thu 50,8 triệu USD cho ngành sò điệp Nhật Bản, tăng 28% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, để cạnh tranh với sò điệp Canada, Nhật Bản phải chấp nhận giá bán sò điệp rẻ hơn 24% so cùng kỳ, chỉ đạt mức trung bình 16,91 USD/kg tại thị trường Mỹ.

Lý giải nguyên nhân dẫn dến sự “nhảy vọt” của sò điệp Nhật Bản tại Mỹ, nhiều doanh nghiệp cho rằng sò điệp Nhật Bản đã “gặp thời” bởi sản lượng khai thác sò điệp Atlantic của Mỹ đang sụt giảm. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn đó là các doanh nghiệp sò điệp Nhật Bản đã linh hoạt khai phá thị trường mới và sản phẩm mới để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ngoài Mỹ, ngành sò điệp Nhật Bản cũng tiếp cận thị trường Đông Nam Á, trong đó sò Hokkaido đã nhanh chóng tạo tiếng vang. Ngoài ra, cá cam và cá tráp cũng là hai loại thủy sản được đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á trong thời gian gần đây.

Với mục tiêu đạt 2.000 tỷ yên vào năm 2025 và 5.000 tỷ yên vào năm 2030, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) đang triển khai các hoạt động nhằm quảng bá sự hấp dẫn của thủy hải sản Nhật Bản ở trong và ngoài nước; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Với sò điệp, Nhật Bản có lợi thế về nuôi nên chủ động nguồn cung và đảm bảo độ tươi ngon. Cùng đó, JETRO luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu hải sản Nhật Bản nhanh chóng tìm được nguồn hàng.

Tuấn Minh
(Theo Seafoodbusiness)

Leave A Reply

Your email address will not be published.