“Nhận diện khó khăn, điều chỉnh sản xuất, đảm bảo tăng trưởng”

0

Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại Họp báo thông tin về kết quả công tác năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2024 của ngành nông nghiệp diễn ra chiều 29/12/2023 tại Hà Nội. Cuộc họp do Bộ NN&PTNT tổ chức, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì. Tham dự còn có lãnh đạo các Cụ, Vụ trực thuộc Bộ và hơn 70 cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước.

Điểm sáng nổi bật 

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2023 ngành nông nghiệp thực hiện Kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu thuỷ sản…Tuy nhiên, với sự thống nhất từ nhận thức đến hành động và việc tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh từ “Tư duy sản xuất sang Tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành”; Thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thuỷ sản,…toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Một trong những điểm sáng nổi bật trong năm 2023 đó là sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%; riêng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng tôm là 3,38 tỷ USD.

bộ 1

Chiều 29/12, Bộ NN&PTNT tổ chức Họp báo tổng kết năm 2023 và định hướng nhiệm vụ cho năm 2024

Về khai thác, ngành đã từng bước hiện đại hóa đội tàu cá, tàu hậu cần nghề cá và công nghệ khai thác, bảo quản, chế biến. Kiểm soát chặt chẽ thiết bị giám sát hành trình; tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác trên các vùng biển, đặc biệt là các vùng giáp ranh có nhiều tàu vi phạm vùng biển nước ngoài; thực hiện nghiêm các giải pháp chống khai thác IUU, đặc biệt là triển khai, thực hiện Kế hoạch hành động “180 ngày” chống khai thác IUU, tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra EC (lần thứ 4).

bộ 2

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Họp báo

Trong lĩnh vực nuôi trồng, ngành thủy sản đã chủ động sản xuất giống chất lượng các đối tượng nuôi chủ lực, cơ cấu lại hệ thống sản xuất giống, gắn với vùng nuôi; đồng thời, tăng cường quản lý chất lượng giống. Tăng cường quản lý chất lượng giống thông qua kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản. Chỉ đạo nuôi trồng thủy sản theo khung mùa vụ ngay từ đầu năm; tăng cường quản lý, chỉ đạo nuôi trồng thủy sản trên biển. Điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng, mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao (đặc biệt là nuôi tôm siêu thâm canh), công nghệ thân thiện với môi trường.

Nhận diện khó khăn

Năm 2024 dự báo nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; mưa lũ diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước nặng nề do tác động của El Nino…; đặc biệt là tác động từ xung đột, bất ổn của thế giới.

 Mặc dù vậy, ngành nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu phát triển với chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 – 3,5%. Trong đó, mục tiêu của ngành thủy sản năm 2024 là phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất từ 3,7 – 4%; tổng sản lượng 9,11 triệu tấn; trong đó nuôi trồng 5,57 triệu tấn, khai thác khoảng 3,54 triệu tấn; giá trị sản phẩm thu hoạch/ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 280 triệu đồng.

Giải pháp thực hiện

Để đạt được mục tiêu đề ra, các địa phương cần tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản, Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản, Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản bền vững, Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, Đề án phòng chống khai thác IUU.

Về nuôi trồng, thúc đẩy phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra…) và các loài thủy sản có giá trị kinh tế gắn với lợi thế của từng vùng, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Khuyến khích phát triển nuôi trồng trên biển theo quy mô công nghiệp; phát triển các vùng nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học.

Cùng với đó, củng cố và chấn chỉnh hoạt động đóng, sửa tàu cá, sản xuất ngư lưới cụ, máy móc thiết bị; hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần đồng bộ tại các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; ưu tiên phát triển cảng cá kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền nghề cá để tăng hiệu quả đầu tư; áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thám, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, trong quản lý và hiện đại hóa lĩnh vực thủy sản.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến bày tỏ: Tôi rất xúc động với những con số của ngành đã đạt được trong bối cảnh khó khăn chung của quốc tế và nền kinh tế nước ta. Đặc biệt, sự tăng trưởng của ngành thủy sản nói riêng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của ngành nông nghiệp. Trong năm tới, tôi đề nghị chúng ta cần nhận diện đầy đủ các khó khăn, thách thức của ngành để điều chỉnh cơ cấu sản xuất, liên kết chuỗi giá trị đáp ứng thị trường, đảm bảo tăng trưởng và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.

Thùy Khánh

Nguồn: thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.