Thời gian gần đây, mặt hàng hàu Pháp, Nhật Bản nhập khẩu về Việt Nam khá nhiều trong khi đó, xuất khẩu hàu của Việt Nam sang nhiều nước tăng mạnh.
Ngoài hàu, các mặt hàng nghêu, ốc cũng có sự tăng trưởng đáng kể ở một số thị trường. Năm 2023, nghêu là sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt gần 79 triệu USD, giảm 17% so với năm 2022. Trong top 10 thị trường còn có sự xuất hiện của Trung Quốc và Campuchia với mức tăng đột phá. Cụ thể, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng gấp 34 lần, sang Campuchia tăng gấp gần 16 lần so với năm 2022. Hai nước này nhập khẩu chủ yếu nghêu lụa sống từ Việt Nam. Ngoài nghêu, Trung Quốc còn nhập ốc hương và hàu sống từ Việt Nam.
Các mặt hàng ốc bươu, ốc hương đông lạnh, ốc len, ốc giác và các loại thịt ốc… trong năm 2023 xuất khẩu đạt gần 16 triệu USD, giảm 6% so với năm trước. Các thị trường tiêu thụ chính gồm Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Theo VASEP, các sản phẩm 2 mảnh vỏ là mặt hàng hấp dẫn đối với ngành HORECA (nhà hàng khách sạn) và mức tiêu thụ có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2023, nhu cầu nhuyễn thể hai mảnh vỏ phục hồi, đặc biệt trong những tháng mùa hè, lượng khách du lịch ở các thị trường, nhất là châu Âu tăng lên, tiêu thụ nhuyễn thể hai mảnh vỏ ở các nhà hàng tăng theo. Tuy nhiên, do nguồn cung năm 2023 cũng tăng (vẹm, hàu, sò điệp…) nên giá giảm. Nguồn cung và giá các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ khác cũng tác động cạnh tranh đối với nghêu xuất khẩu của Việt Nam, do vậy, giá nghêu giảm, khiến cho giá trị xuất khẩu giảm.
Chí Nhân
Nguồn: Thanh Niên