Hơn 4 năm lăn lộn với nghề cá, anh Lương Văn Hùng ở xã Khâu Vai trở thành người sở hữu nhiều lồng cá đặc sản nhất huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Mô hình nuôi cá đặc sản trên sông Nho Quế của anh Lương Văn Hùng mỗi năm thu lãi cả trăm triệu đồng. Ảnh: Đào Thanh.
Những lồng nuôi cá đặc sản của HTX dịch vụ nông lâm thủy sản Châu Kiệt của anh Lương Văn Hùng như tạo thêm điểm nhấn cho bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của dòng sông Nho Quế, thuộc địa phận xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Anh Hùng cho biết, HTX do anh làm Phó giám đốc, thành lập từ năm 2020. Khi ấy trên hẻm Khau Vai của dòng sông Nho Quế quê anh cũng đã từng có người nuôi cá lồng, nhưng thất bại. Lấy đó là bài học, anh tìm hiểu các ông chủ thất bại ấy nguyên nhân vì sao. Rồi anh về Tuyên Quang học hỏi những mô hình nuôi cá đặc sản trên sông Lô, trên hồ thủy điện Tuyên Quang. Đặc biệt, lãnh đạo của một tập đoàn chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Hà Nội đã cử cán bộ lên Khâu Vai đồng hành nửa tháng tư vấn kỹ thuật miễn phí giúp anh.
Có vốn kiến thức cơ bản, anh Hùng đầu tư nuôi 10 lồng cá với các giống như chép, lăng, chiên. Ngày ấy, bỏ ra số tiền cả trăm triệu đồng với đồng bào vùng cao quê anh là quá lớn, nhưng anh vẫn quyết định liều với dòng sông một phen. Nguồn nước sạch, môi trường nuôi mới, lại nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật được cán bộ chuyên môn và các hộ nuôi ở Tuyên Quang hướng dẫn, đàn cá đặc sản lớn nhanh như thổi.
Anh Hùng cho biết, sau hơn 4 năm nuôi cá lồng trên sông Nho Quế, HTX của anh đã xuất bán được 3 lứa cá. Lứa đầu tiên vào năm 2021, lứa thứ 2 năm 2022 và tháng 4/2024 vừa rồi anh xuất bán lứa thứ 3. Trừ các khoản chi phí, mỗi lần xuất bán, HTX của anh Hùng thu lãi cả trăm triệu đồng.
Hiện nay HTX dịch vụ nông lâm thủy sản Châu Kiệt đang có 16 lồng cá, trong đó mới vào giống 10 lồng cá chép, cá bỗng, cá lăng… Những lồng còn lại dự kiến đến cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025 sẽ vào giống cá mới.
Hiện nay, HTX dịch vụ nông lâm thủy sản Châu Kiệt thường xuyên có 5 lao động là người đồng bào dân tộc Mông, mức lương trung bình đạt 5 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Đào Thanh.
Anh Hùng chia sẻ, nuôi cá lồng trên dòng Nho Quế cũng có lúc lao đao. Như dịp giữa năm 2021, đàn cá bị tiêu chảy, nấm bệnh. Nhất là mỗi khi có nước lũ dài ngày, đàn cá lăng không chịu ăn mà đánh nhau, khắp thân bị trầy xước rồi lăn ra chết.
Do chưa khi nào gặp tình trạng này khiến anh Hùng rất lo lắng. Anh quyết định vượt vài trăm cây số về Hà Nội nhờ các chuyên gia thủy sản tư vấn. Nghe thấy ý định của anh, cán bộ ở Hà Nội bảo, cả đi cả về sẽ mất hơn một ngày đường, trong khi đàn cá đổ bệnh chết la liệt, nếu không xử lý nhanh thì vài trăm triệu đồng sẽ nằm lại dòng sông.
Rồi họ bảo anh quay clip cụ thể về tình hình đàn cá gửi về để chẩn đoán bệnh. Khi bắt được bệnh, họ gửi thuốc điều trị theo đường ô tô lên và hướng dẫn anh quy trình chăm sóc. Sau mấy ngày điều trị, đàn cá đã khỏe trở lại, anh Hùng thở phào nhẽ nhõm.
Anh Hùng cho biết, việc phát triển nuôi cá lồng, ngoài lợi ích của gia đình còn giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Hiện nay, HTX dịch vụ nông lâm thủy sản Châu Kiệt thường xuyên có 5 lao động là người đồng bào dân tộc Mông, mức lương trung bình đạt 5 triệu đồng/người/tháng.
Bà Linh Thị Vị, Phó Chủ tịch UBND xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc cho biết, những năm qua, chính quyền xã luôn khuyến khích người dân địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Mô hình nuôi cá đặc sản tại HTX dịch vụ nông lâm thủy sản Châu Kiệt của anh Lương Văn Hùng là một điển hình được địa phương khuyến khích và nhân rộng.
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam