Hơn 2 tháng kể từ khi Nghị định 37/2024/NĐ-CP có hiệu lực, nhiều ngư dân và doanh nghiệp chế biến cá ngừ của nước ta đã lâm vào thế khó. Ngư dân không thể khai thác cá ngừ đúng theo quy định, trong khi đó, doanh nghiệp lại thiếu hụt nguồn cung chế biến.
Xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng tốt
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ ước đạt hơn 550 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Tất cả các nhóm mặt hàng cá ngừ xuất khẩu đều tăng; trong đó, cá ngừ đông lạnh có chiều hướng tăng giá trị, đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay với hơn 44 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp lại giảm 11%, ước đạt gần 20 triệu USD.
Sản phẩm cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam được nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá cao. Ảnh: ST
Cá ngừ vằn thường được gọi là cá ngừ sọc dưa, cá dưa gang. Đây là loài chiếm sản lượng khai thác chủ yếu, chiến hơn 85% sản lượng khai thác các loài cá ngừ của ngư dân Việt Nam, là sản phẩm chính và thế mạnh của nước ta để tận dụng tối đa Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA).
Thiếu nguyên liệu chế biến
Nghị định 37 đã được Chính phủ ban hành trong tháng 4 vừa qua để hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản. Kèm theo là quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên. Trong đó, có cá ngừ vằn – nguyên liệu chủ lực của ngành chế biến và xuất khẩu cá ngừ đóng hộp. Hiện cả nước có 15 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Chỉ tính riêng năm 2023, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của nước ta chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu cá ngừ.
Theo quy định, kể từ ngày 19/5/2024, cá ngừ vằn được phép khai thác phải có chiều dài tối thiểu là 0,5 m. Nếu cá đạt dưới kích cỡ này thì doanh nghiệp không được phép thu mua để chế biến xuất khẩu. Quy định nhằm bảo vệ nguồn lợi cá ngừ, tránh khai thác cá ngừ ở kích thước nhỏ. Tuy nhiên, bấy lâu nay số lượng cá ngừ vằn đạt kích cỡ từ 0,5 m trở lên chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ (khoảng 10 – 20% mẻ lưới).
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó trưởng phòng Khai thác thủy sản cho rằng Nghị định 37 đang trói chân doanh nghiệp, ngư dân khai thác không thể bán được. Ảnh: Thùy Khánh.
Phát biểu tại Hội nghị Ban Thường vụ Hội Thủy sản Việt Nam diễn ra mới đây, ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho biết, ngư dân làm nghề lưới vây bày tỏ quan điểm bảo vệ nguồn lợi thủy sản là xuyên suốt và cần thiết. Tuy nhiên, nếu đưa ra quy định chưa phù hợp thì nên xem xét điều chỉnh lại cho hài hòa, góp phần tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm khai thác.
“ Về phía doanh nghiệp, quy định này sẽ gây khan hiếm nguồn cung. Nếu chúng ta không đủ nguyên liệu thì doanh nghiệp sẽ phải nhập từ nước ngoài, mà muốn nhập được cũng không dễ dàng gì. Hơn nữa, điều này sẽ làm cho ngư dân không thể bán được cá, khi đó giá sẽ giảm 50 – 60%”. Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam Vũ Đình Đáp chia sẻ.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó trưởng Phòng Khai thác thủy sản (Cục Thủy sản) cho biết, thời gian qua, rất nhiều hội viên Hội Thủy sản Việt Nam tại các địa phương cũng đã phản ánh về Nghị định 37 đặc biệt là quy định kích thước sản phẩm cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng khai thác. Ông Tuấn nhấn mạnh, nếu khai thác đúng quy định thì sản lượng đáp ứng tiêu chuẩn sẽ rất thấp. Bởi hiện nay, hầu hết ngành đồ hợp sử dụng cá ngừ đó, nếu chúng ta quy định như vậy sẽ khiến cho toàn bộ doanh nghiệp không thu mua cá ngừ, vì cá ngừ khai thác không đáp ứng kích thước theo quy định là sản phẩm bất hợp pháp, việc tiêu thụ trong nội địa vẫn là bất hợp pháp. Dẫn đến một thực tế là Nghị định 37 đang trói chân doanh nghiệp, khiến cho ngành cá ngừ bị khan hiếm nguyên liệu, ngư dân khai thác không thể bán được.
Mặt khác, với quy định này, ngư dân bắt buộc phải đầu tư chi phí để thay đổi ngư cụ có kích thước mắt lưới mới, phù hợp, cho đến việc ghi chép nhật ký, kiểm soát kích cỡ của loài mà ngư dân khai thác được. Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều tàu cá vào cảng không được cấp biên bản bốc dỡ tại cảng do vi phạm về kích cỡ hải sản khai thác. Do đó, nguy cơ có thể một bộ phận ngư dân ở miền Trung sẽ dừng việc đi biển. Điều này về lâu dài không chỉ gây thiếu hụt lớn nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu mà việc giảm lượng tàu trên biển còn ảnh hưởng đến công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Thùy Khánh
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn