Ngành tôm chạy nước rút trong mùa nuôi nghịch

0

Các doanh nghiệp ngành tôm đang vào cao điểm chế biến, nên nhu cầu tôm nguyên liệu theo đó cũng tăng lên. Câu chuyện thiếu tôm nguyên liệu mùa cao điểm lại tái diễn khi nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu của các nhà máy.

Giá tăng nhanh và tăng mạnh

Sau khi tăng nhẹ ở một vài kích cỡ trong tuần đầu tháng 8, giá tôm liên tục có sự điều chỉnh theo hướng ngày càng tăng. Đây là lần tăng giá khá mạnh thứ hai sau lần tăng giá vào tháng 5. Tuy nhiên, nếu như ở lần tăng giá đầu tiên vào tháng 5 chỉ duy trì trong thời gian ngắn thì ở lần tăng giá này, theo nhận định của doanh nghiệp, giá tôm không chỉ neo cao trong thời gian dài hơn mà khả năng sẽ còn tiếp tục tăng thêm, nhất là tôm thẻ cỡ 50 con/kg trở về lớn.

chế biến tôm

Các doanh nghiệp đang thiếu hụt tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu dịp cuối năm

Việc giá tôm bật tăng trở lại là điều đã được dự báo từ trước, nhưng xem ra các doanh nghiệp vẫn có đôi chút bất ngờ khi giá tôm tăng quá nhanh và khá mạnh. Không nói đâu xa, chỉ mới ngày 13/8 đây thôi, có doanh nghiệp còn dự báo, phải đến đầu tháng 10, giá tôm thẻ cỡ 50 con/kg mới tăng từ 105.000 đồng/kg lên mức 115.000 đồng/kg, nhưng chỉ mới ngày 24/8, giá tôm thẻ loại 50 con/kg được thương lái mua tại ao đã lên mức 118.000 – 120.000 đồng/kg, còn tại nhà máy, mức giá thấp nhất cũng đã 123.000 đồng/kg.

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam, từ giữa tháng 8 đến nay, giá tôm tăng đều ở tất cả các kích cỡ, nhưng tăng mạnh nhất đối với cỡ tôm từ 20 – 40 con/kg. Việc giá tôm thẻ cỡ lớn gần đây tăng mạnh chủ yếu là do nguồn cung khan hiếm khi vụ tôm đã bước sang mùa nghịch, rất khó nuôi.

Đánh giá về tình hình giá tôm đột ngột tăng mạnh thời gian gần đây, ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết: “Theo tôi, giá tôm thời gian tới sẽ còn tiếp tục tăng thêm, nhất là tôm cỡ 40 con/kg về lớn do ảnh hưởng dịch bệnh, nên tôm thu hoạch ở vụ nghịch này phổ biến trong cỡ 60 con/kg trở về nhỏ”.

Nhận định trên là khá hợp lý khi giá tôm thẻ cỡ 60 – 100 con/kg gần đây tuy có tăng nhưng không đáng kể so với tôm cỡ lớn. Điều này cũng khiến không ít hộ có đôi chút băn khoăn trước quyết định có nên thả nuôi tiếp hay không khi ở vụ nuôi này rất khó để nuôi tôm về cỡ lớn.

Cũng theo ông Lực, một trong những nguyên nhân chính đẩy giá tôm tăng mạnh thời gian gần đây là do các doanh nghiệp tăng tốc chế biến để kịp giao hàng cho các hợp đồng đã ký trong năm. Trong khi đó, nguồn cung tôm nguyên liệu thì hạn chế do nhiều hộ ngưng nuôi vì giá tôm thấp kéo dài, nên để có đủ tôm trả nợ hợp đồng, buộc các doanh nghiệp phải đẩy giá mua lên mới hút được nguồn hàng, nhất là những doanh nghiệp không có nguồn tôm dự trữ dồi dào trong thời điểm giá tôm giảm thấp.

Riêng về giá tôm xuất khẩu, theo các doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện nhiều so với kỳ vọng, nên dù có đạt mục tiêu kế hoạch giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm thì lợi nhuận của doanh nghiệp cũng rất khó đạt.

Cung khó đáp ứng cầu

Để giảm thiểu rủi ro một khi thị trường khan hiếm tôm nguyên liệu, giá tôm tăng cao, thời gian qua, bên cạnh việc thu mua dự trữ tôm nguyên liệu trong những thời điểm giá tôm xuống thấp, một số doanh nghiệp đã đẩy mạnh phát triển vùng nuôi, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu tôm và tạo việc làm thường xuyên cho người lao động từ nay đến cuối năm.

ao nuôi

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, hiện ngoài số hợp đồng đã ký trước đó, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục ký thêm hợp đồng mới theo kiểu gối đầu, nên chuyện cạnh tranh tôm nguyên liệu tới đây chắc chắn sẽ còn gay gắt, giá tôm nhiều khả năng sẽ được đẩy lên mức cao hơn nhiều so với hiện tại.

Giá tôm hiện tại đã đủ để đảm bảo cho hộ nuôi có mức lợi nhuận khá nếu nuôi đạt năng suất, đặc biệt là nếu nuôi được về kích cỡ lớn. Tuy nhiên, đây lại là vụ nuôi không hề dễ dàng khi tập trung không ít yếu tố bất lợi cho nghề nuôi, như: Thời tiết mưa bão nhiều, môi trường dễ biến động, dịch bệnh dễ phát sinh (nhất là bệnh do EHP), chất lượng tôm giống không đồng đều… làm cho tỷ lệ nuôi thành công thấp.

Ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (VinaCleanfood), nhận định: “Nuôi tôm vụ nghịch bao giờ cũng khó khăn hơn nhiều so với vụ thuận. Bên cạnh bất lợi về thời tiết (mưa bão nhiều – PV), thì dịch bệnh, nhất là bệnh do EHP cũng xuất hiện nhiều hơn, tôm nuôi dễ bị thiệt hại hơn, tỷ lệ thành công vì thế cũng thấp hơn. Ngay cả trang trại của VinaCleanfood dù đã giảm mật độ xuống thấp hơn khá nhiều so với vụ thuận, nhưng cũng hết sức vất vả mới có tôm để thu hoạch”.

Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp bước vào cao điểm chế biến, nhu cầu tôm nguyên liệu là rất lớn, nên câu chuyện thiếu tôm nguyên liệu được dự báo sẽ còn trầm trọng hơn.

“Ngay thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà máy đều không mua được đủ lượng tôm nguyên liệu phục vụ chế biến mỗi ngày. Vì vậy, chuyện thiếu tôm nguyên liệu tới đây sẽ còn trầm trọng hơn nữa, nhất là tháng 9 và tháng 10, giá tôm sẽ còn tăng thêm ít nhất là 10%”, ông Phục dự báo.

Đây là chuyện không mới của ngành tôm nhưng một lần nữa cho thấy tính ổn định và bền vững của các khâu trong chuỗi giá trị ngành tôm vẫn là điều mà các bên cần quan tâm cải thiện nhiều hơn nữa, nếu muốn ngành tôm tiếp tục vươn xa.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm 7 tháng đầu năm nay ước đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tôm dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn kể từ tháng 8 đến tháng 11 do đây là thời điểm các doanh nghiệp tập trung hoàn tất giao hàng cho các hợp đồng đã ký kết trong năm.

Tuy dự báo sức tiêu thụ sẽ tăng trở lại từ nay đến cuối năm, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa thể an tâm trước 2 vụ kiện: Chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp tôm (CVD) tại thị trường Mỹ, khi mới đây (ngày 2/8/2024), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã có thông báo chưa công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường. Thông báo trên cũng đồng nghĩa với vụ kiện CDV vẫn được tiến hành và theo lịch trình, 19/10/2024, DOC công bố mức thuế CVD cuối cùng và trước 3/12/2024 Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ có kết luận là vụ kiện này sẽ kết thúc hay còn diễn tiến. Riêng vụ kiện AD, phía Mỹ vẫn đang xem xét hành chính lần thứ 19 (PR19) với 2 doanh nghiệp là bị đơn bắt buộc và theo dự kiến, mức thuế sơ bộ sẽ được công bố khoảng đầu năm 2025.

Mùa tôm đang vào cao điểm. Giá tôm trong nước đã tăng trở lại và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng thêm. Do đó, dù vụ nuôi hiện tại là vụ nghịch, nhiều rủi ro, tỷ lệ thành công thấp nhưng với việc giá tôm nguyên liệu tăng mạnh khiến nhiều hộ nuôi có đủ điều kiện bắt đầu cân nhắc thả nuôi vụ mới, với mật độ thưa hơn, diện tích ít hơn so với vụ thuận để đảm bảo tỷ lệ thành công cao hơn. Khi đó, áp lực nguồn cung tôm nguyên liệu đối với doanh nghiệp cũng sẽ được vơi đi phần nào và người nuôi tôm vẫn có thể yên tâm về một mức giá đủ để đáp ứng kỳ vọng về lợi nhuận cho vụ nuôi vốn rất khó khăn này.

Xuân Trường

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.