Ngành tôm Ấn Độ bị cáo buộc sử dụng lao động nô lệ

0

Theo một báo cáo mới từ Tổ chức phi lợi nhuận Corporate Accountability Lab (CAL) của Mỹ, vấn nạn lao động nô lệ, lao động trẻ em, cùng nhiều hình thức bóc lột khác, gây tổn hại môi trường đang tràn lan trong ngành tôm trị giá hàng tỷ đô la của Ấn Độ.

Chứng nhận bền vững “ảo”

CAL nhấn mạnh, các siêu thị, nhà hàng tại Mỹ đang tiêu thụ tôm Ấn Độ – những sản phẩm được tạo ra từ những lao động nô lệ. Trong báo cáo điều tra về thực trạng “Lạm dụng nhân quyền và gây hại môi trường của ngành tôm Ấn Độ”, CAL cho biết, tôm là thủy sản được tiêu thụ phổ biến nhất thị trường Mỹ; trong khi đó, Ấn Độ là nguồn cung tôm lớn nhất với tỷ trọng lên đến 40,8%  tổng khối lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2023.

Ngành tôm Ấn Độ

Xuất khẩu tôm Ấn Độ chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Mỹ và được tiêu thụ rộng rãi khắp siêu thị và nhà hàng. Ảnh: CAL

Tổ chức CAL cho biết vi phạm nhân quyền và gây tổn hại môi trường trong ngành tôm nuôi toàn cầu là hai vấn nạn đã được ghi nhận trong hơn một thập kỷ qua. Các cuộc điều tra và phỏng vấn thực địa kéo dài nhiều năm của CAL cung cấp một số tài liệu đầu tiên về các hành vi lạm dụng lao động và gây hại đến môi trường ở mức độ nguy hiểm và phổ biến trong ngành tôm Ấn Độ. Đáng chú ý, trong đó có cả những sản phẩm tôm đã được chứng nhận có trách nhiệm với xã hội và môi trường bởi các chương trình chứng nhận lớn trong ngành.

Báo cáo đưa ra những dẫn chứng về tình trạng người lao động ở Ấn Độ phải chịu cảnh nợ nần, bạo hành bằng lời nói, điều kiện làm việc nguy hiểm và bị công ty hạn chế di chuyển. Ngoài ra, CAL cũng ghi nhận lao động cưỡng bức và lao động trẻ em khá phổ biến trong ngành tôm Ấn Độ. Báo cáo cũng nhấn mạnh các trại tôm giống và tôm thương phẩm gây hại tới môi trường địa phương qua việc xả nước thải ô nhiễm vào thủy vực lân cận, làm ô nhiễm nguồn nước uống của cộng đồng cư dân, ảnh hưởng đến đất nông nghiệp và nghề khai thác cá của địa phương xung quanh.

Ngành tôm Ấn Độ

Công nhân Ấn Độ đang lột vỏ tôm tại một nhà máy không đảm bảo điều kiện lao động. Ảnh: CAL

Chiến lược cắt giảm chi phí?

Các trại nuôi tôm cũng là nguyên nhân hàng đầu phá hủy rừng ngập mặn, nơi hấp thu lượng carbon gấp 4 lần so với rừng trên cạn. Nghiên cứu cũng cho thấy các chuỗi cung ứng thiếu minh bạch, gây phức tạp cho quá trình truy xuất nguồn gốc tôm Ấn Độ, góp phần gia tăng tình trạng lạm dụng lao động và gây hại môi trường dai dẳng. CAL khuyến cáo, nếu chính phủ Mỹ và Ấn Độ không giám sát và siết quy định, tình trạng lạm dụng lao động trong ngành tôm ngày càng tăng, kéo theo tệ nạn cấp “chứng nhận ảo” cho sản phẩm tôm sạch và bền vững.

Sau khi phát hiện vi phạm lao động ở tất cả các giai đoạn sản xuất, từ trại giống, trại nuôi thương phẩm đến nhà máy chế biến, CAL kết luận, lạm dụng lao động nô lệ trong ngành tôm Ấn Độ được xem là một phần của chiến lược cắt giảm chi phí sản xuất. Báo cáo kêu gọi các nhà bán lẻ và bán buôn ở Mỹ cần tạo áp lực để buộc ngành tôm Ấn Độ phải thay đổi. Cùng đó, CAL cũng kêu gọi chính phủ Mỹ và Ấn Độ thực thi luật nhằm cấm lạm dụng lao động và môi trường. Đáp lại, Liên đoàn tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) cho biết, các công ty xuất khẩu tôm Ấn Độ vẫn đang nghiêm chỉnh tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm để đáp ứng yêu cầu của những nước nhập khẩu, gồm cả Mỹ.

Trong khi đó, Tiến sĩ Max Valentine, Giám đốc Chiến dịch tại Tổ chức bảo tồn đại dương Oceana, tuyên bố: Báo cáo của CAL đã vạch trần sản phẩm thủy sản được sản xuất bằng lao động cưỡng bức vẫn thành công tìm đường đến bàn ăn của người dân Mỹ. Điều này cho thấy lỗ hổng nghiêm trọng trong giám sát của giới chức trong ngành tại Mỹ. Ông cho rằng, Mỹ  cần cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc và tăng tính minh bạch trên biển để đảm bảo mỗi sản phẩm mà người dân Mỹ tiêu dùng không liên quan đến vi phạm nhân quyền. Max nhấn mạnh: “Những sản phẩm thủy sản bất hợp pháp và vi phạm nhân quyền không nên có chỗ trên bàn ăn của người dân Mỹ”.

Tuấn Minh (Theo Worldfishing)

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.