Năm 2024, ngành tôm Việt Nam được dự báo là có nhiều cơ hội nhưng thách thức cũng không ít; do đó, bên cạnh câu chuyện thị trường thì theo các chuyên gia, ngành tôm nên tập trung vào khâu nuôi nhiều hơn, để chất lượng và giá thành ổn định, giúp tăng khả năng cạnh tranh của con tôm Việt.
Thách thức đan xen
Bên cạnh những thành tựu vượt bậc đó, tình hình nuôi tôm tại Việt Nam hiện cũng đang vướng nhiều rảo cản cho sự phát triển bền vững. Như nhận định của ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp tôm như hiện nay, một thách thức lớn đang đặt ra không chỉ Bạc Liêu mà đối với tất cả các tỉnh, thành nuôi tôm trên phạm vi cả nước, đó là bài toán về môi trường, dịch bệnh trong sự phát triển bền vững của ngành tôm.
Năm 2024, ngành tôm Việt Nam được dự báo là có nhiều cơ hội nhưng thách thức cũng không ít. Ảnh: ST
Trong công văn báo cáo số 01/BC-VASEP gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả sản xuất xuất khẩu thủy sản 2023 – cơ hội, thách thức trong 2024 và các kiến nghị giải pháp củng cố, gia tăng năng lực cạnh tranh ngành hàng; VASEP báo cáo Thủ tướng về thực trạng giá thức ăn đang cao, tác động rất lớn đến hoạt động nuôi và giá thành nguyên liệu – là một nhân tố chính khiến sản phẩm thủy sản nuôi của Việt Nam đang rất khó cạnh tranh với các quốc gia khác (Ecuador, Ấn Độ…).
Giá thành sản xuất tôm ở nước ta hiện vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực do chi phí thức ăn nuôi tôm đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống nhập khẩu tôm bố mẹ cao. Đặc biệt, nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện. Các cơ sở nuôi nhỏ lẻ thường thiếu vốn sản xuất, phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo…
Không chỉ là chi phí vật tư đầu vào tăng cao, biến động thất thường của thời tiết và môi trường hay thị trường tiêu thụ, mà nguyên nhân chủ yếu khiến vụ tôm nước lợ năm 2024 “nóng” lên ngay từ khi mới khởi đầu chính là ở chất lượng con giống. Chia sẻ thông tin tại Hội thảo “Giải pháp để có nguồn giống tôm chất lượng cho vụ nuôi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng” mới đây, các đại biểu cho rằng, bao giờ tình trạng con giống kém chất lượng kéo dài thì chúng ta chưa thể nói đến chuyện phát triển bền vững được. Việc quản lý chất lượng nguồn tôm giống không chỉ là từ phía các Bộ, ngành ở Trung ương mà tại các địa phương cũng cần cập nhật số liệu, thống kê số lượng giống của mỗi doanh nghiệp đưa về tỉnh thường xuyên về số lượng, tình hình thiệt hại, tỷ lệ thành công để có khuyến cáo công khai cho người dân…
Mở rộng thu hút đầu tư
Một trong những nút thắt cho việc phát triển nuôi tôm tại không ít các địa phương đó chính là câu chuyện về thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. Như tại tỉnh Cà Mau, thực trạng nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, quy mô nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ. Tính đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có gần 4.800 ha (gần 5.000 hộ) nuôi tôm siêu thâm canh, hầu hết diện tích nuôi tôm siêu thâm canh là của các hộ dân tự đầu tư, còn lại một số ít doanh nghiệp.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau nhìn nhận, việc quy hoạch còn chậm, quản lý quy hoạch còn bất cập, bên cạnh đó là kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa khai thác hiệu tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu, thời tiết; tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi còn diễn biến phức tạp. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế, liên kết hợp tác sản xuất chậm phát triển và chưa bền vững, chưa có nhiều mô hình liên kết chuỗi sản xuất hiệu quả để phổ biến nhân rộng.
Với những nút thắt đã nhận diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn rà soát quy hoạch chuyên ngành trên cơ sở quy hoạch tỉnh, từ đó tính toán cụ thể cho từng khu vực nuôi tôm theo quy định; khuyến cáo người nuôi phải thực hiện quy trình theo hướng tuần hoàn, đảm bảo môi trường, an toàn sinh học; rà soát lại điều khoản của Luật Đất đai về các dự án được thu hồi đất để thực hiện quy hoạch sử dụng đất theo quy định; tìm ngay các giải pháp để hạ giá thành suất đầu tư hạ tầng các khu nuôi tôm siêu thâm canh tập trung…
Nâng cao khả năng cạnh tranh
Có thể thấy, trên chặng đường vượt khó, ngành tôm cần phải tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh của mình và một trong những giải pháp được xác định đó là tập trung nhiều hơn cho khâu nuôi. Ngành nuôi tôm cần có sự căn cơ hơn, tổ chức sản xuất quy mô lớn hơn nhằm có nền tảng quy hoạch tổng thể khu nuôi mang tính khoa học, hợp lý cũng như thuận lợi trong việc đầu tư trang bị các thành quả khoa học kỹ thuật để nâng cao tính chủ động, giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng suất. Đây cũng là giải pháp được Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương thực hiện trong năm 2024 này.
Như chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2024, đề nghị Cục Thủy sản tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng giống tôm; tổ chức kiểm tra, đánh giá, chứng nhận đủ điều kiện cho cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm, cơ sở sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong NTTS; xử lý nghiêm các cơ sở không tuân thủ quy định. Các địa phương cần thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức kiểm tra, kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất và chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Những địa phương trọng điểm nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm – lúa, tôm – rừng (Cà Mau, Kiên Giang…) duy trì diện tích nuôi tôm hữu cơ. Đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng nuôi. Có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tôm tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm.
Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam 2023 (VietShrimp 2023)
Với mong muốn, tìm giải pháp hữu hiệu nhất đưa ngành tôm Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững cho con tôm Việt Nam; Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam (VietShrimp), nơi hộ tụ của cộng đồng những người làm thủy sản nói chung, con tôm nói riêng đến hẹn lại lên sẽ được tổ chức tại tỉnh Cà Mau từ ngày 20 – 22/3 tới đây. Với sự trở lại này, những thách thức đã đề cập bên trên của ngành tôm sẽ kỳ vọng được hóa giải khi có sự hội tụ của các Nhà quản lý – nhà khoa học – nhà kinh doanh – nhà nông, thông qua các phiên hội thảo chuyên đề, chuyên sâu.
VietShrimp năm 2024 đang đến rất gần và càng lúc càng thu hút sự quan tâm của hàng triệu người nuôi tôm, các trang trại, doanh nghiệp, chuyên gia trong nước, quốc tế; các sở ban ngành, cơ quan thông tấn báo chí. Hãy nhanh tay truy cập thông tin sự kiện qua đường link: https://vietshrimp.vn/ để không bỏ lỡ một sự kiện chuyên ngành thủy sản mang tầm cỡ khu vực và thế giới này.
Hoài Phương
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn