Ngành thủy sản chưa hết khó, Bộ Nông nghiệp làm gì để đủ nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu?

0

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng đủ nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu sau phản ánh “ngành thủy sản chưa hết khó” do thiếu nguyên liệu.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, các tỉnh, thành phố, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang về việc tháo gỡ khó khăn của ngành thủy sản.

thuy san

Năm 2024, ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển nuôi trồng các giống chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tập trung phát triển giống thủy sản chủ lực

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Phó thủ tướng thì liên quan đến phản ánh “ngành thủy sản chưa hết khó” do thiếu nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết năm 2024, bộ sẽ tập trung phát triển nuôi trồng các giống chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra.

Đẩy mạnh nuôi các loại thủy sản có tiềm năng và giá trị kinh tế như nuôi cá hồ chứa, cá biển, rong, tảo biển, nhuyễn thể…; tập trung giải pháp giảm giá thành sản phẩm đối với sản phẩm thủy sản nuôi, tăng sức cạnh tranh.

ộ cũng sẽ chỉ đạo sản xuất linh hoạt, đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đảm bảo nguồn cung phù hợp với nhu cầu xuất khẩu.

Tăng cường tổ chức sản xuất, xuất khẩu theo chuỗi liên kết, tổ chức hiệu quả sản xuất thủy sản theo quy mô lớn tập trung gắn sản xuất với những tín hiệu của thị trường.

Kiểm soát chặt chẽ sản xuất an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc và xác nhận cam kết chống khai thác bất hợp pháp, phát triển thủy sản đạt chứng nhận quốc tế (ASC, BAP, hữu cơ…).

Cùng với hội, hiệp hội ngành hàng đánh giá lượng nguyên liệu tồn kho, nhu cầu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Cùng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp, người nuôi thực hiện cam kết giữa các bên trong chuỗi sản phẩm thủy sản để chủ động kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và tận dụng một cách hiệu quả các chính sách hỗ trợ tài chính của Chính phủ trong sản xuất…

Phổ biến thông tin thị trường cho người dân, doanh nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường sớm tham mưu ban hành Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

Đồng thời, công bố đường ranh giới để xác định khu vực các đảo để làm căn cứ giao khu vực biển cho nuôi trồng thủy sản trên biển.

Chỉ đạo các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát và giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân tham gia nuôi trồng thủy sản trên biển. Tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Giao VASEP tổ chức đánh giá lượng hàng, nguyên liệu thủy sản tồn kho trong các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản và nhu cầu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu quý 1 và năm 2024.

Thực hiện cam kết/hợp đồng với người nuôi trồng thủy sản về kế hoạch sản xuất, cung ứng nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu trong thời gian tới đảm bảo kế hoạch, chủ động sản xuất để tận dụng cơ hội khi thị trường hồi phục.

Trước kiến nghị trên, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật, phân tích đánh giá thông tin thị trường một cách toàn diện để kịp thời phổ biến cho người dân và doanh nghiệp.

Chủ động, tập trung triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng đủ nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu thủy sản và hỗ trợ, khuyến khích ngư dân ra khơi, bám biển, khai thác hải sản hợp pháp.

Phó thủ tướng cũng giao các bộ Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, các tỉnh, thành phố, VASEP nghiên cứu các thông tin và kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chủ động, tích cực có giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho ngành thủy sản.

Chí Tuệ
Nguồn: Tuổi trẻ online

Leave A Reply

Your email address will not be published.