Ngành thủy sản An Giang phấn đấu đạt sản lượng khoảng 691.000 tấn

0

Thủy sản là một trong 3 lĩnh vực thế mạnh của ngành nông nghiệp tỉnh An Giang. Trước tình hình xuất khẩu cá tra có dấu hiệu phục hồi, diện tích thả nuôi và sản lượng tăng, ngành thủy sản tỉnh đã tích cực hỗ trợ hộ nuôi, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, chế biến, tiêu thụ trong các tháng cuối năm.

Sản xuất khởi sắc

Theo Cục Thống kê An Giang, từ tháng 4, tình hình xuất khẩu thủy sản trong tỉnh có dấu hiệu khởi sắc, giá bán cá tra nguyên liệu tăng chút ít so với những tháng đầu năm. Đồng thời, cũng nhờ vào việc xuất khẩu sang Campuchia theo đường tiểu ngạch nên sản lượng thu hoạch các loại cá khác cũng tăng so với cùng thời điểm năm 2023.

 Ước tính tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm của An Giang đạt 358.300 tấn, tăng 5,40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá bán cá tra nguyên liệu dao động từ 27.000 – 30.000 đồng/kg, với mức giá này, các hộ nuôi đã có lãi, riêng các doanh nghiệp có chu trình sản xuất khép kín sẽ đạt lợi nhuận cao hơn.

Dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp trong tỉnh An Giang. Ảnh: HL

Dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp trong tỉnh An Giang. Ảnh: HL

 Hiện nay, diện tích nuôi cá tra hầu hết thuộc các vùng nuôi của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ các loại thủy sản khác luôn ở mức cao cũng giúp cho quy mô nuôi và thu hoạch thủy sản trong tỉnh tăng so cùng kỳ. Ước tính tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng trong 6 tháng đầu năm khoảng 357.000 tấn, tăng 5,42% so cùng kỳ. Cụ thể, sản lượng cá tra thu hoạch hơn 324.800 tấn, tăng 6,33%, chủ yếu tăng sản lượng thu hoạch thuộc vùng nuôi của doanh nghiệp. Tổng sản lượng thu hoạch các loại cá khác là hơn 32.200 tấn, giảm 3% so cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, nhu cầu và giá bán luôn duy trì ở mức cao nên sản lượng thu hoạch các loại thủy sản khác đạt 165 tấn, tăng 9,56% so cùng kỳ.

Mặc dù, hằng năm các ngành chức năng của An Giang đều tổ chức các đợt thả cá ra sông nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên, tuy nhiên do nguồn lợi thủy sản tự nhiên từ thượng nguồn Campuchia đổ về có xu hướng giảm nên sản lượng thủy sản khai thác nội địa trong 6 tháng đầu năm tại An Giang chỉ khoảng 1.100 tấn, giảm 1,23% so cùng kỳ, trong đó, sản lượng cá khai thác gần 1.060 tấn (chiếm 97,95% tổng sản lượng thủy sản khai thác), giảm 13 tấn so cùng kỳ.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù sự hồi phục từ các thị trường nhập khẩu cá tra còn chậm tuy nhiên đã tăng so cùng kỳ năm 2023. Nhiều diện tích cá tra tới kỳ thu hoạch, được các nhà máy tập trung mua nguyên liệu size nhỏ (700 – 900gr/con), giá bán thủy sản giống và thủy sản thương phẩm cũng tăng nhẹ so những tháng đầu năm 2024.

Ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang nhận định, nguyên nhân khiến diện tích nuôi, thu hoạch thủy sản tăng so cùng kỳ năm 2023 do giá bán cá tra và các loại thủy sản khác như cá lóc, cá trê, cá nàng hai… có chiều hướng tăng, hơn nữa thời tiết thuận lợi, thủy sản nuôi giảm bệnh. Các cơ sở nuôi sau khi thu hoạch tiếp tục thả nuôi vụ mới.

 Bên cạnh việc tiêu thụ nội địa, cung ứng cho thị trường Campuchia, các doanh nghiệp thủy sản An Giang cũng tích cực đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường như Châu Á (Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Ấn Độ…), tiếp theo là Châu Mỹ (Hoa Kỳ, Colombia, Brazil…), Châu Âu (Nga, Hà Lan, Pháp…), Châu Đại Dương và Châu Phi.

Nỗ lực về đích

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản An Giang đã cấp mới và cấp lại giấy xác nhận chủ lực cho 4 cơ sở nuôi cá tra, nâng tổng số giấy xác nhận đến nay là 155 cơ sở. Đồng thời, tiến hành thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm định kỳ cho 9 cơ sở, thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 9 cơ sở, nâng tổng số giấy chứng nhận đã cấp, cấp lại đến nay còn hiệu lực là 54 giấy. Cùng với đó, có 15 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đang hoạt động.

Chất lượng vùng nuôi cá tra của An Giang luôn được chú trọng. Ảnh: ST

Chất lượng vùng nuôi cá tra của An Giang luôn được chú trọng. Ảnh: ST

Năm 2024, ngành thủy sản An Giang phấn đấu tăng trưởng từ 6 – 7% so năm 2023, với sản lượng thủy sản khoảng 691.000 tấn, trong đó sản xuất hơn 2 tỷ cá tra giống và 629.000 tấn thương phẩm (diện tích cá tra thu hoạch năm 2024 tăng lên 1.410 ha). Để đạt được mục tiêu đề ra, sản lượng thủy sản 6 tháng cuối năm của tỉnh phải đạt 313.000 tấn, trong đó, cá tra thương phẩm đạt 291.000 tấn và các loại thủy sản khác khoảng 22.000 tấn.

Do vậy, thời gian tới, ngành thủy sản An Giang tiếp tục tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng giống cá tra, tăng cường năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm soát vùng nuôi đủ điều kiện xuất khẩu, đặc biệt vào thị trường Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo chất lượng thủy sản, Chi cục Thủy sản An Giang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 26/2019/NĐ-CP, ngày 8/3/2019 về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, trong đó có đăng ký đối tượng nuôi thủy sản chủ lực (cá tra) trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tăng cường áp dụng các biện pháp phòng trị bệnh tổng hợp cho ao nuôi thủy sản, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật giúp người nuôi hạn chế dịch bệnh và hao hụt do thời tiết thay đổi khi chuyển sang mùa mưa. Cùng với đó, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm cơ sở nuôi thủy sản, đặc biệt cá tra thương phẩm, đảm bảo kiểm soát mối nguy tồn lưu dư lượng kháng sinh và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Trong đó, tăng cường kiểm tra các vùng nguyên liệu cá tra xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), đáp ứng yêu cầu theo Quyết định 1802/QĐ-BNN-QLCL và Quyết định 5523/QĐ-BNN-QLCL của Bộ NN&PTNT.

Thùy Khánh (Tổng hợp)

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.