Qua năm 2023 khó khăn nhiều bề, ngành cá tra vẫn vững niềm tin đi tới khi các doanh nghiệp, hiệp hội, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý địa phương và Trung ương thống nhất hợp lực để phát triển.
Liên tục sụt giảm
Sau năm 2022 đạt kỷ lục xuất khẩu 2,4 tỷ USD, sang năm 2023 ngành hàng cá tra Việt Nam suy giảm mạnh về kết quả tăng trưởng. Giữa tháng 12/2023, Cục Thủy sản cho biết: “Ước cả năm 2023, diện tích thả nuôi cá tra cả nước khoảng 5.700 ha, bằng 98% năm 2022; sản lượng ước 1,61 triệu tấn, tương đương năm 2022; kim ngạch xuất khẩu ước 1,8 tỷ USD, bằng 75% năm 2022”.
Ngành cá tra hợp lực đi tới.
Số liệu của VASEP: Uớc tới hết tháng 11/2023, xuất khẩu cá tra gần 1,7 tỷ USD, thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm 2022. Khác biệt rõ nhất của năm 2023 là chưa thấy dấu hiệu rõ ràng về sự phục hồi xuất khẩu cá tra, mặc dù quý III và IV là thời điểm mua hàng mạnh của năm. VASEP nhận định: Nhu cầu yếu tại các thị trường, đây là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong năm 2023. Bên cạnh đó, xu hướng giá xuất khẩu giảm liên tục, đã khiến cho không chỉ tổng sản lượng, mà cả kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam, trong 11 tháng năm 2023 đã liên tục sụt giảm.
Một thực tế rất đáng lo, giữa tháng 12/2023, Sở NN&PTNT An Giang cho biết: “Hiện tại giá cá tra đang bán tại các ao nuôi gần 26.000 đồng/kg; trong khi giá thành 27.000 – 28.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 2.000 – 3.000 đồng/ kg. Nếu tình hình này kéo dài, sẽ dẫn đến “treo” ao, tạm ngưng sản xuất”.
Những kiến nghị hợp lực
Sở NN&PTNT 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang, đã đặt nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2024 là quy hoạch phương án phát triển nuôi cá tra sát thực tế, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo kinh tế tập thể, đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết, thực hiện truy xuất nguồn gốc, phục vụ tốt cho yêu cầu xuất khẩu.
Viện Nghiên cứu NTTS II thông tin, trong mấy tháng cuối năm 2023, đã nuôi vỗ cá bố mẹ thế hệ G4. Theo đó, kế hoạch nuôi từ tháng 1/2024 thử nghiệm và tiến tới thực hiện kiểm nghiệm tại 10 trại giống, để chuẩn bị cho ra đời 75.000 con cá hậu bị mới. Đây là những con cá hậu bị cung cấp cho các địa phương, nhằm cải thiện chất lượng sản xuất giống, trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Các tỉnh, thành phố ĐBSCL, cần đẩy mạnh ứng dụng quy trình kỹ thuật – công nghệ mới, trong việc ương nuôi và quản lý môi trường ao nuôi cá. Cụ thể như mô hình nuôi công nghệ tuần hoàn nước (RAS), nuôi công nghệ vi sinh.
Công ty CP Vĩnh Hoàn đang ứng dụng công nghệ sinh học phân tử vào nghiên cứu sản xuất giống, tiếp tục kêu gọi và tạo cơ hội hợp tác ứng dụng khoa học – kỹ thuật – công nghệ tiên tiến vào NTTS. Chú trọng hợp tác, liên kết, để sắp xếp lại hoạt động sản xuất toàn chuỗi từ: Sản xuất giống, xử lý nước và chất thải, đảm bảo dinh dưỡng tăng cường sức khỏe cho cá, đến phòng trừ dịch bệnh, cho ăn và thu hoạch cá.
Cùng quan điểm, Hiệp hội Cá tra Việt Nam nêu cụ thể thêm: “Cần nhân rộng nhiều mô hình, đã được nhiều doanh nghiệp lựa chọn đầu tư công nghệ cao vào sản xuất cá tra. Điển hình là Dự án nuôi cá tra công nghệ cao của Công ty CP Nam Việt, đang triển khai tại xã Bình Phú, Châu Phú, An Giang. Với quy mô 600 ha, được trang bị công nghệ hiện đại (hệ thống cho ăn tự động), đã giúp giảm chi phí nhân công, sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời, để giảm chi phí điện và thân thiện với môi trường”.
VASEP phân tích xu hướng tiêu thụ các sản phẩm thủy sản có chứng nhận Bio, đang ngày càng trở nên phổ biến tại các thị trường và nhận định: “Đó có thể là một hướng đi khác biệt, mở ra nhiều tiềm năng cho sản phẩm cá tra Việt Nam”. VASEP đề nghị ngành cá tra hợp lực, tuân thủ việc nhân rộng nhiều mô hình đầu tư công nghệ cao vào sản xuất cá tra, đẩy mạnh sản xuất liên kết chuỗi để phát huy lợi thế.
Cục Thủy sản đặt mục tiêu năm 2024: Diện tích cả nước thả nuôi cá tra phát sinh khoảng 5.700 ha; sản lượng trên 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD. Để đạt được các chỉ tiêu này, phải “Tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi, nhằm giảm thiểu rủi ro, giảm giá thành sản xuất, nuôi có chứng nhận để nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh toàn cầu. Cùng có trách nhiệm, trong việc giám sát theo dõi quá trình thực hiện sản xuất. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, đối với chuỗi: Các cơ sở nuôi, ao nuôi – nhà máy chế biến – xuất khẩu. Tất cả phải được cấp mã số, nhằm minh bạch thông tin”.
Ngọc Duyên
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn