Nâng tầm kinh tế biển miền Trung

0

Tập trung vào các ngành kinh tế biển để vùng trở thành vùng mạnh về biển, giàu từ biển; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm gắn với phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây là một trong những quan điểm được đưa ra tại Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ (BTB&DHTB) thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt.

Vậy giải pháp nào để thực hiện được mục tiêu này đã được các đại biểu trao đổi tại Hội nghị lần thứ 4 của Hội đồng điều phối vùng BTB&DHTB tổ chức sáng 19/5, tại TP Huế. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự và chủ trì Hội nghị.

Nâng tầm kinh tế biển miền Trung

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị; Ảnh: ST

Vùng BTB&DHTB gồm 3 tiểu vùng: Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); Trung Trung bộ (Thừa Thiên Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh); Nam Trung bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận); cùng 2 hành lang kinh tế Bắc – Nam và Đông – Tây. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của vùng đạt 5,51%, cao hơn bình quân chung cả nước, trong đó một số địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao như Khánh Hòa (10,35%), Ninh Thuận (9,4%), Phú Yên 9,16%, Bình Thuận (8,1%); Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt hơn 1.570 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,06% GDP cả nước…

Quan điểm phát triển của vùng BTB&DHTB sẽ tập trung vào các ngành kinh tế biển để vùng trở thành vùng mạnh về biển, giàu từ biển; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm gắn với phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Không gian phát triển được tổ chức theo các tiểu vùng, các hành lang kinh tế và các cực tăng trưởng.

Khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên rừng và biển; chú trọng bảo vệ môi trường, nhất là hệ sinh thái và môi trường biển. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, bãi ngang, hải đảo. Nông nghiệp phát triển theo hướng sinh thái, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản công nghiệp và bán công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng biển ven các hải đảo xa bờ.

Bên cạnh đó, vùng cần ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách tại hạ lưu các lưu vực sông, ô nhiễm vùng biển ven bờ, ô nhiễm rác thải nhựa biển; tăng cường quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông; quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường, thiết lập hệ thống giám sát chất lượng môi trường.

Nâng tầm kinh tế biển miền Trung

Đến năm 2050, vùng BTB&DHTB là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển; ảnh: Thành Cường

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam cho rằng, để kinh tế biển miền Trung bứt phá phát triển, tiến mạnh ra biển, tạo thế và lực nhằm phát triển kinh tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; cần tập trung xây dựng quy hoạch vùng, liên kết vùng trong tổng thể nhằm phát huy được thế mạnh của từng tỉnh trong khu vực miền Trung, tránh cạnh tranh triệt tiêu nguồn lực đầu tư và hạn chế phát triển. Nhà nước cũng cần ban hành các cơ chế, chính sách đồng bộ và các giải pháp mang tính đột phá, tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực, đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao mà vùng miền Trung có tiềm năng, lợi thế lớn, như dịch vụ xuất – nhập khẩu; dịch vụ biển, cảng biển; dầu khí, vận tải; phát triển các đội tàu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển; du lịch đa ngành gắn với logistics; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; ngư nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao… Cùng với đó, nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho kinh tế biển, có chương trình dự án và cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế biển.

Để liên kết vùng hoạt động có hiệu quả, lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Quảng Nam, TP Đà Nẵng thống nhất đề xuất thành lập các quỹ vùng về phát triển hạ tầng, phòng chống thiên tai, xúc tiến du lịch… để tạo nguồn lực thực hiện những công trình, dự án của vùng, các địa phương cũng có sự liên kết chặt chẽ hơn về kinh tế, trách nhiệm.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quy hoạch là một bước chuyển đổi từ chủ trương, chính sách đến gần với thực tiễn để phát triển vùng. Vì vậy, cần làm rõ các vấn đề về quy hoạch; các địa phương trong vùng bàn bạc, xác định các tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, xã hội, di sản văn hóa, tạo ra sự phát triển lan tỏa cho cả vùng; ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm; quan tâm hơn nữa công đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Về nhiệm vụ hoạt động Hội đồng điều phối vùng trong thời gian đến, các bộ, địa phương cần đẩy mạnh triển khai 11 nhiệm vụ đã giao trong năm 2023; trong đó cần quan tâm ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tính lan tỏa, kết nối vùng. Hiện nay, vùng đã chia thành 3 tiểu vùng vì vậy cần xây dựng cơ chế vận hành, tổ chức của tiểu vùng, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin của vùng.

Theo quy hoạch vùng BTB&DHTB, GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt khoảng 7,5 -8%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 165 triệu đồng, tương đương 6.500 USD… Đến năm 2050, đây là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển. Phát triển được ít nhất 2 đô thị và một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn, ngang tầm khu vực châu Á.

Vân Anh

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.