Nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi cá đồng Cà Mau

0

Thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau, các địa phương trong tỉnh đã ra quân quyết liệt nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ, bảo vệ nguồn lợi cá đồng.

Quyết tâm thực hiện

Sau một thời gian thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26.2.2024 (Chỉ thị 17) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong ngăn chặn khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt, nhiều địa phương trong tỉnh đã có chuyển biến tích cực.

Tại các vùng nông thôn, việc người dân sử dụng xung điện để bắt cá tôm giảm rõ rệt, một số xã đã “xóa trắng” tình trạng này. Bên cạnh đó, trên các tuyến sông, kênh rạch, chính quyền địa phương mạnh dạn giải tỏa hàng đáy, nò, lú… Điều này không chỉ giúp giao thông đường thủy thông thoáng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các loài thủy sản có môi trường sinh trưởng, phát triển.

H.Đầm Dơi là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả Chỉ thị 17. Huyện đã cho trên 240 người ký cam kết chấm dứt dùng xung điện khai thác thủy sản; vận động người hành nghề khai thác thủy sản tận diệt ngưng hoạt động hoặc chuyển nghề. Đến nay, có hơn 90 người giao nộp công cụ kích điện, hơn 30 người bị cơ quan chức năng bắt và tịch thu công cụ kích điện, nhiều người chuyển đổi làm nghề khác.

Tại H.U Minh, bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng NN-PTNT cho biết, đơn vị đang phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện 3 dự án nuôi cá đồng gắn với bảo vệ nguồn lợi để khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn cá đồng quy mô 33 hộ, với 48 ha tại các xã Khánh An, Khánh Thuận, Nguyễn Phích. Đến nay, đã thả hơn 230.000 con giống. Ngoài ra, đơn vị phối hợp với Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh và xã Nguyễn Phích xây dựng mô hình bảo vệ nguồn lợi cá đồng quy mô 76 hộ, với 40 ha.

Sáng tạo trong thực hiện

Trong tuyên truyền, chính quyền xã Tân Lộc, H.Thới Bình vận động xã hội hóa thêm các phần quà là nhu yếu phẩm thiết yếu để tặng người dân. Việc này nhằm khuyến khích người dân tự nguyện giao nộp xung điện, kích điện.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Tân Lộc cho biết, chỉ qua khoảng 2 tháng phát động phong trào đổi nhu yếu phẩm lấy bộ xung điện, người dân đã tự nguyện giao nộp gần 60 bộ. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn xã không ghi nhận tình trạng người dân dùng xung điện đánh bắt cá đồng.

Người dân xã Tân Lộc, H.Thới Bình giao nộp xung điện

Người dân xã Tân Lộc, H.Thới Bình giao nộp xung điện, kích điện sau đó được hỗ trợ quà là nhu yếu phẩm. Ảnh: Gia Bách

Trong khoảng 9 tháng triển khai thực hiện, toàn tỉnh Cà Mau thu hơn 1.800 bộ dụng cụ xung điện, kích điện khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản do người dân tự giác giao nộp; vận động hơn 67.000 hộ ký cam kết không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc… để khai thác nguồn lợi thủy sản trên tất cả các vùng nước; tịch thu, tiêu hủy hơn 570 bộ dụng cụ xung điện, kích điện; tuần tra phát hiện và xử lý gần 700 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt gần 17 tỉ đồng.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 17, nhưng tình trạng khai thác thủy sản quá mức, mang tính tận diệt vẫn còn xảy ra. Chính vì vây, Cà Mau xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, cần sự vào cuộc của nhiều đơn vị và quyết tâm của cả hệ thống. Thời gian tới, cùng với những giải pháp đang triển khai thực hiện, tỉnh tiếp tục thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản; thả rạn nhân tạo làm nơi trú ngụ, sinh sản cho tôm, cá; thí điểm đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân; rà soát nguồn lợi thủy sản để cơ cấu lại ngành nghề, chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, mục tiêu lâu dài của tỉnh không chỉ bảo vệ nguồn lợi vùng nội đồng mà cả vùng tự nhiên ngoài sông ngòi, kênh, rạch, vùng ven biển. Để thực hiện được mục tiêu trên, không chỉ riêng Cà Mau mà rất cần sự đồng hành, vào cuộc quyết liệt từ các tỉnh lân cận, đặc biệt vùng giáp ranh.

Leave A Reply

Your email address will not be published.