Nan giải bài toán giá thành sản xuất trong nuôi tôm

0

Chưa bao giờ ngành tôm của Việt Nam nói chung và nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Trong đó, giá thành sản xuất tăng cao và tỷ lệ nuôi tôm thành công chỉ đạt khoảng 40% chính là những lực cản cho ngành tôm kém phát triển.

SẢN XUẤT THỤ ĐỘNG

Qua thống kê của Hiệp hội ngành tôm và Chi cục Thủy sản tỉnh, giá thành sản xuất tôm ở Việt Nam và Bạc Liêu luôn cao hơn so với Thái Lan và Ecuador. Trong khi đó, mặc dù là một trong những quốc gia sản xuất tôm lớn, nhưng năng suất và chất lượng sản phẩm tôm Việt Nam vẫn chưa đồng đều, tỷ lệ thành công thấp. Chính các vấn đề về chi phí thức ăn, con giống, công nghệ nuôi tôm, sử dụng thuốc và hóa chất, chất lượng môi trường, tiêu thụ tôm, chính sách hỗ trợ… là những nguyên nhân làm cho giá thành sản xuất tôm nguyên liệu của Việt Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng xếp vào loại cao trên thế giới.

Cụ thể, một trong những khó khăn làm cho giá thành sản xuất tôm tăng cao chính là chi phí thức ăn. Lâu nay, giá thức ăn cho con tôm ở Việt Nam thường cao hơn so với các nước nuôi tôm khác, do phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu và thị trường thức ăn chăn nuôi chủ yếu được quyết định bởi các thương hiệu nước ngoài như: Grobest, CP, Tomway… vốn chiếm hơn 95% nguồn cung cấp thức ăn cho con tôm trên thị trường hiện nay. Thông thường, giá thức ăn chăn nuôi luôn có xu hướng tăng cao mà không giảm theo biến động kinh tế. Trong khi đó, sản phẩm thức ăn chăn nuôi từ các quốc gia như Thái Lan và Ecuador lại có nguồn nguyên liệu phong phú và giá cả cạnh tranh hơn. Đồng thời, các trang trại lớn nuôi tôm ở các quốc gia này cũng không phải gánh thêm các khoản chi phí phát sinh hay qua nhiều khâu trung gian như ở Việt Nam khi mua thức ăn chăn nuôi.

giá thành nuôi tôm

Nông dân thả con giống nuôi tôm công nghệ cao tại TP. Bạc liêu.

Cùng với thức ăn, chất lượng con giống cũng chính là nguyên nhân làm tăng giá thành sản xuất lâu nay. Hiện có khoảng 2.500 trại giống ở Việt Nam, phân tán rộng rãi với nhiều trại giống nhỏ và một số ít trại giống thương mại lớn. Đáng quan tâm là tôm giống có tỷ lệ sống khi thả nuôi của trại giống tại Việt Nam chỉ ở mức 35 – 40%, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia nuôi tôm cạnh tranh. Ngoài ra, tôm giống ở Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc vào việc nhập khẩu tôm bố mẹ với khoảng 200.000 – 250.000 con tôm thẻ L. vannamei mỗi năm, do nguồn cung cấp con giống trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, ghi nhận lãi suất lợi nhuận của các công ty tôm giống không năm nào dưới 25%. Và kết quả là giá tôm giống của Việt Nam luôn theo chiều hướng tăng dần, trong khi môi trường ao nuôi thì ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng và chỉ cần con giống kém chất lượng đổ vào là bị thiệt hại ngay.

Một vấn đề quyết định đến giá thành sản xuất tăng cao là nghề nuôi tôm ở Việt Nam và Bạc Liêu vẫn còn nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ lạc hậu, chi phí nhân công nhiều.

PHÁT TRIỂN KÉM BỀN VỮNG

Để đảm bảo rằng sản phẩm tôm là an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và không gây hại cho môi trường nước và biển, các quốc gia nhập khẩu tôm luôn đòi hỏi sản phẩm nhập khẩu phải tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt về môi trường, sinh thái và an toàn thực phẩm ngày càng cao. Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam lại tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm vì thói quen sử dụng chất kháng sinh. Vấn nạn này còn kéo theo chi phí kiểm soát kháng sinh từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến, chi phí kiểm kháng sinh từ các nước nhập khẩu và thời gian thông quan kéo dài do phải chờ kiểm kháng sinh khi nhập khẩu. Tất cả những điều này đã đẩy chi phí tôm xuất khẩu của Việt Nam cao hơn.

Loay hoay trong bài toán giá thành sản xuất tôm còn có tình trạng nhiều hộ nuôi tôm luôn thiếu vốn, nên ngoài việc mua nợ thức ăn, thuốc và vật tư thủy sản với mức giá cao hơn, nông dân không có tiền đầu tư cho phát triển hạ tầng phục vụ nuôi tôm theo mô hình công nghiệp hiện đại để giảm giá thành sản xuất. Cùng với đó, mạng lưới thương lái hiện tại đang xử lý khoảng 70% tổng sản lượng tôm nuôi. Việc mạng lưới thương lái nhiều cấp, hoạt động phân tán đã tạo nên sự phức tạp trong việc theo dõi nguồn gốc tôm từ trang trại đến nhà máy và tăng giá thành sản xuất cao hơn do trải qua quá nhiều khâu trung gian.

Đáng lo hơn cả là chất lượng môi trường trong nuôi trồng thủy sản dần xấu đi và nhiều nơi bị ô nhiễm nặng nề, rồi chất lượng nguồn nước cũng bị ô nhiễm, cạn kiệt, dẫn đến tăng chi phí xử lý nước và làm giảm hiệu quả nuôi trồng…

Tất cả những khó khăn và bất cập này chính là nguyên nhân làm cho giá thành sản xuất của con tôm Việt Nam nói chung và ở Bạc Liêu nói riêng tăng cao. Do vậy, nếu không có ngay các giải pháp căn cơ để hóa giải các thách thức này thì con tôm của quốc gia, trong đó có con tôm Bạc Liêu sẽ kém phát triển, thậm chí tụt hậu sâu. Mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm cũng sẽ khó khả thi khi sản lượng, quy mô và sức cạnh tranh của tôm ngày càng yếu đi. Vì thế rất cần một “cú hích” trong việc tái cơ cấu lại ngành tôm cũng như phát huy hiệu quả sự liên kết trong chuỗi sản phẩm từ giống, sản xuất đến tiêu thụ.

Lư Trung

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Leave A Reply

Your email address will not be published.