Nấm đùi gà và khô đậu: Protein thúc đẩy sức khỏe và tăng trưởng của cá vược miệng rộng

0

Các chuyên gia dinh dưỡng Trung Quốc đã phát triển protein mới từ phụ phẩm nấm đùi gà (Pleurotus eryngii) và khô đậu có tác dụng kích thích tăng trưởng và sức khỏe của cá vược miệng rộng, tạo ra bước tiến đáng kể cho nuôi trồng thủy sản bền vững.

Protein lên men đồng thời

Nhóm chuyên gia dinh dưỡng Trung Quốc khẳng định, protein lên men đồng thời từ đùi gà và khô đậu (CFP) hứa hẹn cải thiện hiệu suất tăng trưởng, khả năng sử dụng thức ăn, tình trạng miễn dịch, sức khỏe gan và đường ruột của các vược miệng rộng.

Các loại thức ăn chức năng chứa những hợp chất hoạt tính sinh học như  polysaccharide và phức hợp protein từ nấm, đang được nghiên cứu sâu rộng để khai phá tiềm năng của chúng trong công cuộc phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững hơn.

Nấm đùi gà và khô đậu: Protein thúc đẩy sức khỏe và tăng trưởng của cá vược miệng rộng

Ảnh minh họa

Nhiều nghiên cứu khác đăng tải trên tạp chí Fish and Shellfish Immunology đã chứng minh hiệu quả của khô đậu lên men bởi vi khuẩn như AspergillusSaccharomycesLactobacillus, và Bacillus đối với tăng cường sự phát triển và khả năng miễn dịch của vật nuôi thủy sản.

Quay lại với phụ phẩm nấm đùi gà, nhóm chuyên gia dinh dưỡng Trung Quốc cho biết, khi lên men sản phẩm này bằng Lactobacillus và nấm men đã tạo ra thành phần dinh dưỡng mới có tác dụng cải thiện tăng trọng và đáp ứng miễn dịch ở cá nheo sông Amur – một loài cá nước ngọt phổ biến ở khu vực Đông Á. Ngoài ra, bột nấm lên men thủy phân giúp tăng cường khả năng kháng ôxy hóa của cá.

Trong lĩnh vực thực phẩm, nấm đùi gà được công nhận nhiều lợi ích cho sức khỏe nhờ khả năng điều chỉnh hệ vi sinh đường ruột và giảm viêm loét đại tràng mãn tính cũng như tổn thương liên quan đến ôxy hóa trong tế bào đường ruột Caco-2. Tuy nhiên, những nghiên cứu về tác dụng của nấm đùi gà trong ngành dinh dưỡng thủy sản đến nay vẫn còn hạn chế.

Nghiên cứu trên cá vược

Nghiên cứu đánh giá cá vược miệng rộng, một đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao ở Trung Quốc với sản lượng đạt 802.500 tấn vào năm 2022. Theo đó, cá được chia thành 5 nhóm và cho ăn các khẩu phần chứa 0%, 5%, 10%, 15% và 20% CFP trong 7 tuần.

Các tác giả nghiên cứu báo cáo rằng, bổ sung CFP mang lại những cải thiện nhỏ về hiệu suất tăng trưởng và sử dụng thức ăn. Hoạt tính của globulin miễn dịch M và enzyme lysozyme tăng lên, đặc biệt ở nhóm CFP 20% cho thấy khả năng miễn dịch được tăng cường. Sự gia tăng đáng kể hàm lượng glutathione trong gan đã được quan sát thấy ở các nhóm CFP 10% và 15%. Ngoài ra, tổng khả năng chống ôxy hóa và hoạt tính superoxide dismutase cũng được cải thiện, trong khi đó hàm lượng malondialdehyde giảm rõ rệt.

Các biểu hiện gen liên quan đến quá trình phân giải lipid tăng lên và các biểu hiện gen liên quan đến tổng hợp lipid trong nhóm CFP 20% lại giảm cho thấy quá trình chuyển hóa lipid đã được cải thiện đáng kể. Hình thái đường ruột cũng được cải thiện phù hợp với việc tăng biểu hiện gen toàn vẹn cấu trúc, trong khi các cytokine gây viêm bị ức chế và các cytokine chống viêm được kích hoạt ở các nhóm cá ăn bổ sung CFP.

Các peptide kháng khuẩn và yếu tố miễn dịch cũng tăng nhẹ. Trong khi đó, số lượng lợi khuẩn (Firmicutes) tăng lên trong khi vi khuẩn gây bệnh tiềm ẩn (Fusobacterium and Proteobacteria) lại giảm cho thấy sự tái tổ chức của hệ vi sinh vật đường ruột.

Nghiên cứu kết luận rằng CFP có nguồn gốc phụ phẩm nấm đùi gà và khô đậu giúp tăng cường đáng kể tăng trưởng, khả năng miễn dịch và sức khỏe tổng thể của cá vược miệng rộng.

Các nhà nghiên cứu cho biết những phát hiện này hỗ trợ việc sử dụng CFP như một nguồn protein chức năng bền vững, chi phí thấp và hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản, mở đường cho những ứng dụng rộng rãi hơn trong ngành.

Tuấn Minh (Theo Aquafeed)

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.