Ngày 15/4/2024, VASEP đã có Công văn số 47/CV-VASEP gửi tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, đề nghị xúc tiến việc bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc.
Khó khăn của con tôm trên đất Hàn
Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc. Năm 2023, tôm chiếm tỷ trọng cao nhất 43,6%, tiếp đó mực, bạch tuộc chiếm 31,4%. Tuy vậy, có 7 dòng sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam vào Hàn Quốc được hưởng ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch (hiện là 15.000 tấn/năm).
Theo thống kê nhập khẩu của Hàn Quốc, tổng sản lượng nhập khẩu của 7 dòng sản phẩm trên từ Việt Nam vào Hàn Quốc trong giai đoạn 2016 – 2023 dao động từ 22,5 – 36,3 nghìn tấn, tương ứng với mức vượt hạn ngạch miễn thuế từ 12,5 – 21,3 nghìn tấn/năm.
Năm 2022, khối lượng nhập khẩu tôm Việt Nam của 7 mã HSK vào Hàn Quốc là 36.265 tấn, vượt tới 21.265 tấn so với hạn ngạch miễn thuế; năm 2023 nhập khẩu 29.944 tấn, vượt 14.944 tấn. Toàn bộ khối lượng nhập khẩu vượt quá mức hạn ngạch đã và đang phải chịu mức thuế cơ sở là 20%.
Các nhà nhập khẩu Hàn Quốc cũng chật vật với hạn ngạch khi họ phải “đấu thầu” để giành hạn ngạch nhập khẩu tôm Việt Nam với chi phí lên tới 16% giá trị của lô hàng. Việc ngành tôm phải chịu mức thuế suất cao đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc chỉ đạt 343 triệu USD, giảm 27% so với năm 2022.
Mặc dù Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ ba của Hàn Quốc trong năm 2023, nhưng thị phần đã giảm từ 14,2% trong năm 2022 xuống còn 13,5% trong năm 2023. Trong thời gian tới, Hàn Quốc có thể sẽ đẩy mạnh nhập khẩu tôm từ các quốc gia khác như Peru có FTA với Hàn Quốc, với mức thuế nhập khẩu đã giảm về 0%. Điều này có thể làm tăng đà suy giảm của tôm Việt Nam trên thị trường Hàn Quốc và tình hình này có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
Công bằng trong thương mại
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ cuối năm 2015 đã giúp cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam tại thị trường này tăng 62% từ 585 triệu USD năm 2015 lên 950 triệu USD năm 2022 và 786 triệu USD năm 2023.
Theo VASEP, năm 2024 là năm thứ 10 thực hiện VKFTA và theo lộ trình, gần hết các dòng hàng thủy sản đã đạt mức thuế về 0%. Tuy nhiên, với việc còn 7 dòng sản phẩm thủy sản nhập khẩu của Việt Nam tại Hàn Quốc vẫn phải hưởng ưu đãi thuế quan theo cơ chế hạn ngạch (15.000 tấn/năm) và khối lượng vượt quá mức hạn ngạch phải chịu mức thuế 20% đã kiến sức cạnh tranh của tôm Việt trên đất Hàn ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều đáng nói là, đối chiếu với biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam cập nhật đến năm 2024, thì toàn bộ các dòng hàng thủy sản nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã ở mức 0%.
Theo VASEP: “Việt Nam hoàn toàn mở cửa với thủy sản Hàn Quốc nhưng đổi lại vẫn bị áp hạn ngạch xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc”. Chính từ bất cập này, VASEP đã có Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét đề nghị Hàn Quốc gỡ bỏ cơ chế hạn ngạch thuế quan đối với tôm đông lạnh Việt Nam theo VKFTA.
Cũng theo VASEP, việc gỡ bỏ hạn ngạch đối tôm từ Việt Nam vào Hàn Quốc không chỉ tạo ra sự công bằng trong thương mại giữa 2 nước và còn là biện pháp giúp người tiêu dùng Hàn Quốc được tiếp cận nhiều hơn với tôm Việt Nam với giá tốt hơn trong điều kiện kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, suy thoái.
Kỳ vọng
Hằng năm, Hàn Quốc nhập khẩu trên 100.000 tấn tôm với giá trị từ 800 triệu USD – 1 tỷ USD. Sản lượng tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt hơn 50.000 tấn/năm, vượt 3 – 4 lần số lượng theo hạn ngạch (15.000 tấn với mức thuế nhập khẩu 0%). Việc sản lượng lớn vượt hạn ngạch phải chịu thuế 20% đã khiến cho người nuôi tôm khó khăn, đặc biệt khi đầu vào, chi phí vận chuyển… tăng mạnh trong thời gian qua.
Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc là Peru, đã được hưởng thuế suất 0% và từ 2018 – 2022, nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc từ Peru tăng gấp 10 lần. Năm 2022, nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc từ Peru ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 176% so với năm trước đó.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý I/2024 ước đạt gần 2 tỷ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm quý I/2024 đạt hơn 690 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong các thị trường chủ lực, xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng 16% đạt 330 triệu USD; Nhật Bản tương đương cùng kỳ, Trung Quốc tăng 15%. Đáng tiếc là xuất khẩu sang Hàn Quốc “vẫn chưa có tín hiệu hồi phục rõ nét với tôm và cá tra Việt Nam” – theo đánh giá của VASEP.
Trong xu thế tăng trưởng chung, việc Hàn Quốc vẫn duy trì hạn ngạch đối với mặt hàng tôm Việt Nam đã không theo kịp với diễn tiến tích cực của giao thương 2 nước, đặc biệt là khi phía Việt Nam đã đưa toàn bộ các dòng hàng thủy sản nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam về mức thuế nhập khẩu là 0%.
Người NTTS, đặc biệt là người nuôi tôm, các doanh nghiệp ngành tôm kỳ vọng các cơ quan chức năng Hàn Quốc sẽ sớm đưa 7 dòng sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam ra khỏi cơ chế hạn ngạch và hưởng thuế nhập khẩu 0%, giúp sản phẩm tôm Việt Nam đến người tiêu dùng Hàn Quốc thuận lợi hơn.
Theo VASEP, 11 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc đã leo lên vị trí thứ 4 trong số 5 thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam, với giá trị xuất khẩu 316 triệu USD.
Nguyễn Anh
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn