Long An: Kiên quyết không để phát sinh vùng nuôi tôm nằm ngoài quy hoạch

0

Nhiều năm qua, tỉnh Long An luôn đẩy mạnh xử lý các trường hợp đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên đất trồng lúa trái quy định, tuy nhiên đến nay tình trạng này vẫn chưa dừng lại. Diện tích đào ao mới vẫn tăng tại vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.

Tính đến cuối tháng 7 vừa qua, diện tích đất nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An là 522 ha, tăng 77 ha so với năm ngoái. Trong đó, huyện Mộc Hóa có diện tích nhiều nhất với 281 ha, tiếp đến là huyện Tân Hưng với diện tích 105 ha, Tân Thạnh 53 ha, Thạnh Hóa 50 ha, Vĩnh Hưng 21 ha và thị xã Kiến Tường 11,8 ha. Điều đáng nói, năm 2023 có 70% diện tích nuôi chỉ hòa vốn hoặc lỗ, còn lại 30% có lợi nhuận nhưng thấp.

Khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An là vùng ngọt, được quy hoạch trồng lúa, rau màu. Việc hàng trăm hecta đất ruộng ở vùng này bị nhiều cá nhân, tổ chức tự ý chuyển mục đích sử dụng, khoan giếng tầng sâu, lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng đã khiến cho hệ sinh thái, quy hoạch sản xuất nông nghiệp bị phá vỡ, tài nguyên đất và nước bị suy thoái, môi trường bị ô nhiễm…

Long An

Đến cuối tháng 7, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười trong tỉnh Long An là khoảng 522 ha. Ảnh: ST

Thời gian qua, tỉnh Long An đã kiểm tra phát hiện, xử phạt 57 trường hợp vi phạm liên quan đến việc khoan giếng tầng sâu lấy nước mặn nuôi tôm thẻ, chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi thủy sản tại các huyện Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường.

Nhằm quản lý việc sử dụng đất trong nuôi tôm thẻ chân trắng, đảm bảo hiệu quả, ổn định, bền vững, không phá vỡ quy hoạch, hạn chế tác động xấu đến môi trường, sản xuất nông nghiệp, mới đây, UBND tỉnh Long An đã có văn bản yêu cầu các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh nghiêm túc thực hiện việc quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng tại khu vực trên địa bàn.

Cụ thể, Sở NN&PTNT Long An có nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về sử dụng đất để nuôi thủy sản theo quy định của Luật Đất đai và các quy định về nuôi trồng thủy sản; phối hợp với UBND các huyện, thị xã tăng cường quản lý về con giống, vật tư phục vụ sản xuất thủy sản, phòng chống dịch bệnh thủy sản, về sử dụng chất cấm, chất không có tên trong danh mục được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam; theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi tôm thẻ tại các địa phương để kịp thời báo cáo và tham mưu UBND tỉnh trong công tác quản lý.

Sở Tài nguyên và Môi trường Long An tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý theo thẩm quyền về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sử dụng đất để nuôi tôm thẻ, về bảo vệ môi trường. Song song đó, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã trong công tác quản lý và xử lý vi phạm về sử dụng đất để nuôi tôm thẻ, khoan giếng để lấy nước mặn và bảo vệ môi trường nuôi tôm thẻ.

Đồng thời, UBND tỉnh Long An cũng yêu cầu UBND các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh tăng cường quản lý, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về sử dụng đất để nuôi trồng thủy sản theo quy định của Luật Đất đai, đảm bảo phù hợp với quy hoạch của địa phương; tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo người dân về những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của việc nuôi tôm thẻ trong vùng nước ngọt, không để phát triển thêm diện tích nuôi mới.

Cùng với đó, tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nuôi tôm thẻ, khoan giếng lấy nước mặn và công tác bảo vệ môi trường. Đối với các trường hợp đào ao mới từ đất trồng lúa để nuôi tôm thẻ không đúng quy định của pháp luật, sẽ bị xử lý và buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

Thùy Khánh

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.