Lấy lại vị thế ngành cua Cà Mau

0

Cua là một trong những sản vật được tin cậy cho tương lai kinh tế ngư – nông – lâm nghiệp, trụ đỡ và thế mạnh trọng yếu của tỉnh Cà Mau. Năm 2023, tỉnh đã phê duyệt Ðề án phát triển bền vững nghề nuôi cua Cà Mau đến năm 2030. Đây là thời điểm hết sức phù hợp để ngành hàng cua Cà Mau được đánh giá thấu đáo, toàn diện về hiện trạng tìm cơ hội bứt phá và con đường đi vững chãi, lâu dài.

Tiềm năng và triển vọng

Cà Mau là tỉnh có vị trí địa lý đặc biệt, với 3 mặt giáp biển, hệ thống sông ngòi chằng chịt, với nguồn lợi thủy, hải sản phong phú, đa dạng…; trong đó, đặc sản nổi tiếng phải kể đến cua Cà Mau. Cua Cà Mau từ lâu không chỉ nổi danh bởi độ thơm ngon, chất lượng mà còn có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon làm nức lòng du khách gần xa.

Thông tin từ Sở NN&PTNT Cà Mau, vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, đồng đất ở vùng bán đảo Cà Mau đa phần trồng lúa. Mãi đến 2010, khi vùng nước ngọt ngày càng bị thu hẹp lại, mở ra địa bàn cho con tôm nước lợ thì lúc ấy cua mới có nhiều diện tích hơn để phát triển. Năm 2010, diện tích nuôi chỉ vài nghìn ha, tới nay đang là khu vực có diện tích nuôi cua lớn nhất cả nước với 250.000 ha. Giá bán ra thời điểm ấy chỉ 150.000 – 200.000 đồng/kg hàng loại 1 thì nay đã lên tới 400.000 – 600.000 đồng/kg, lúc cao điểm giá lên tới một triệu đồng.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, đã mất hơn 10 năm để xây dựng thương hiệu “Cua Cà Mau” không chỉ trong nước mà vươn ra cả thế giới. Tới nay, sản phẩm này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi và góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Năm 2015, nhãn hiệu “Cua Năm Căn – Cà Mau” được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận là nhãn hiệu tập thể. Vào tháng 6/2023, sản phẩm “Cua Cà Mau” đã cơ quan này cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

cua cà mau

Từ 2023, cua được xác định là ngành hàng chủ lực hàng đầu tại tỉnh Cà Mau, chỉ sau tôm. Ảnh: ST

Cua Cà Mau, đặc biệt là cua ở vùng đất Năm Căn, Ngọc Hiển được mệnh danh là loài cua ngon nhất bởi vị ngon, ngọt, thịt chắc không đâu sánh bằng. Cua Cà Mau được chế biến thành rất nhiều món ăn ngon như: Cua rang muối, cua sốt me, lẩu cua, bánh canh cua, cua nhồi thịt, cua luộc nước dừa… Tận dụng thế mạnh từ đặc sản địa phương, những năm qua, các khu du lịch, nhà hàng, quán ăn và các hộ làm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng các món ăn làm từ cua để phục vụ thực khách gần xa.

Tại huyện Năm Căn, nơi được mệnh danh là vùng đất có con cua ngon nhất ở Cà Mau; với diện tích gần 21.000 ha nuôi cua, năm 2015, nhãn hiệu tập thể Cua Năm Căn đã được công nhận đã góp phần khẳng định vững chắc, ngành hàng cua đã, đang và sẽ là ưu tiên chiến lược của địa phương.

Được biết, hiện toàn huyện đã triển khai được 3 mô hình nuôi cua thương phẩm theo hướng VietGAP, tại 3 xã: Hàm Rồng, Hiệp Tùng và Tam Giang, với 150 ha. Ðây là quy trình nuôi cua sạch, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, tuân thủ lịch thời vụ, đáp ứng yêu cầu từ khâu cải tạo, chọn giống, chăm sóc và thu hoạch. Điển hình tại ấp Chống Mỹ, xã Hàm Rồng, mô hình triển khai từ tháng 10/2023, cho thấy hiệu quả rõ rệt. Ðầu năm 2024, khi hiện tượng cua chết diễn ra khắp nơi, những bà con nuôi cua theo cách mới đã đảm bảo năng suất đạt 50 – 60%, chất lượng cua thương phẩm đảm bảo.

Xung lực phát triển mới

Có thể thấy, tiềm năng, thế mạnh của ngành hàng cua Cà Mau rất lớn, song để “cởi trói” cho ngành hàng này của địa phương phát triển xứng tầm vẫn còn nhiều “nút thắt” cần phải nhanh chóng tháo gỡ.

Theo ghi nhận, khoảng 3 năm gần đây, dịch bệnh trên cua diễn ra liên tục, gây tổn hại nặng nề cho ngành hàng cua Cà Mau trong đó có Năm Căn. Ngành chức năng đã có kết luận về nguyên nhân, đề ra các giải pháp ứng phó; đưa ra dự báo, khuyến cáo tới người dân để hạn chế thiệt hại, nhưng vào những tháng cao điểm hạn mặn, tình trạng cua chết diện rộng, gây thiệt hại lớn vẫn chưa có cách khắc phục triệt để.

Bên cạnh đó, chất lượng con giống càng ngày bị thoái hóa, kích cỡ cua nuôi khi thu hoạch nhỏ dần, tăng trưởng chậm, tỷ lệ sống thấp do sử dụng nguồn cua bố mẹ chưa qua chọn lọc, chất lượng không được cơ quan quản lý kiểm soát. Đa phần các trại sản xuất cua giống kế thừa từ trại sản xuất tôm giống, nên chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật sản xuất với đối tượng này. Ngoài ra, hiện người nuôi cua trên địa bàn tỉnh chủ yếu bán cho thương lái thu gom về giao lại cho các đại lý phân phối, có rất ít hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cua thương phẩm.

Ông Trần Thanh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trí Dũng Năm Căn (một trong 9 chủ thể đang khai thác nhãn hiệu tập thể Cua Năm Căn hiện nay) chia sẻ, khoảng 3 năm nay, lúc cao điểm dịch bệnh, cua Năm Căn chỉ chiếm khoảng 10% lượng cua mà doanh nghiệp xuất bán. Thời điểm cua Năm Căn thịnh nhất cũng chỉ chiếm khoảng 50% tổng lượng cua trong các đơn hàng. Nguy cơ bị lấn át, lép vế ngay trên “sân nhà” là điều hiện hữu với tình thế hiện tại của cua Năm Căn.

Do đó, việc xây dựng, phát triển gắn với sự ổn định vùng nguyên liệu sản xuất là vấn đề nền tảng và tạo ra chuỗi liên kết giá trị là yếu tố then chốt để ngành cua Cà Mau nói chung và cua Năm Căn nói riêng phát triển bền vững hơn. Người nuôi cua phải hình thành tư duy sản xuất hàng hóa lớn, vùng nguyên liệu lớn theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã. Nhà quản lý – Nhà khoa học – Nông dân – Nhà phân phối – Người tiêu dùng cùng hợp lực bảo vệ thương hiệu cua Cà Mau.

Theo các chuyên gia, chính quyền địa phương và người nông dân cần có những hoạch định đường hướng phát triển lâu dài, hiệu quả cho con cua về quy hoạch vùng nuôi an toàn, mùa vụ nuôi, thời điểm thị trường có nhu cầu để bán được giá cao…, đồng thời cần quan tâm đến công tác bảo quản, tồn trữ. Tổ chức quy hoạch lại vùng nuôi cua biển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng gắn với thực hành sản xuất tốt, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đáp ứng nhu cầu thị trường. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị; quản lý chặt chẽ việc sử dụng nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn”, chỉ dẫn địa lý “Cua Cà Mau”. Phát triển sản xuất cua giống, khuyến khích các cơ sở sản xuất cua giống tham gia vào chuỗi sản xuất…

Được biết, hiện quy mô nuôi cua của Cà Mau cao nhất cả nước. Tổng giá trị sản lượng cua bình quân mỗi năm của Cà Mau trong những năm gần đây trên 10.000 tỷ đồng. Cua Cà Mau tươi sống đã được xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…

Hải Lý

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.