Theo Cục Thống kê Lào Cai, tháng 1/2024, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản ao, hồ nhỏ thực hiện 2.292 ha, đạt 97,53% kế hoạch năm; sản lượng thủy sản lũy kế 465 tấn, đạt 3,66% kế hoạch.
Ngành nông nghiệp tỉnh thông tin sẽ tiếp tục cung cấp trên 600.000 con cá giống các loại, tăng 200.000 nghìn con so với năm 2023. Hiện Trại Giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thuộc Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp đang ương nuôi các loại cá giống, bắt đầu cung ứng dịch vụ cá giống các loại năm 2024. Nhờ áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật chăm sóc, cá trắm đạt trọng lượng từ 10 – 20 con/kg, cá chép 40 – 60 con/kg, rô phi 180 – 200 con/kg; một số loại cá khác cũng đang phát triển ổn định. Chất lượng con giống đảm bảo, tỷ lệ nuôi sống đạt cao. Cùng với việc cung cấp giống, cơ sở sản xuất còn tích cực tư vấn cho người nuôi thủy sản về cách vận chuyển giống an toàn, kỹ thuật nuôi cá, chế độ nguồn nước, thức ăn chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh và liên kết tiêu thụ sản phẩm…
Nuôi cá nước lạnh cho giá trị kinh tế cao tại Lào Cai. Ảnh: ST
Ngoài ra, để sản xuất hiệu quả và chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch số 426/KH-UBND về việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Kế hoạch yêu cầu tổ chức thực hiện phải có sự chỉ đạo và phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; huy động được toàn dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh…
Theo Kế hoạch khi chưa có dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh cần điều tra dịch tễ, xác định vùng nguy cơ xảy ra dịch bệnh bằng cách tổng hợp số liệu thống kê tình hình dịch bệnh, xác định nguồn dịch, đường lây truyền, lấy mẫu giám sát chủ động, nâng cao năng lực dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Điều tra ổ dịch và thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch, chống dịch theo quy định của Bộ NN&PTNT.
Khi dịch bệnh xảy ra, toàn tỉnh thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch theo quy định của Chính phủ, Bộ NN&PTNT và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp. Công bố dịch, công bố hết dịch theo quy định của Luật Thú y, Thông tư số 07/2016/TT-BNN và Thông tư số 04/2016/TT-BNN của Bộ NN&PTNT.
Đối với ổ dịch động vật thủy sản xử lý theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNN của Bộ NN&PTNT và Kế hoạch số 338/KH-UBND của UBND tỉnh về phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 – 2030; chú trọng một số nội dung sau:
Về thu hoạch thủy sản mắc bệnh sẽ thực hiện thu hoạch đối với thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm, có thể sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi hoặc mục đích khác (trừ thủy sản làm giống hoặc thức ăn tươi sống cho thủy sản khác). Chủ cơ sở nuôi thu hoạch thủy sản trong ổ dịch phải thực hiện theo đúng hướng dẫn, chịu sự giám sát của cơ quan thú y đảm bảo an toàn dịch bệnh trong quá trình thu hoạch, vận chuyển đến cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản nhiễm bệnh.
Việc điều trị thủy sản mắc bệnh được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xác định có thể điều trị và chủ cơ sở nuôi có nhu cầu điều trị thủy sản mắc bệnh; thực hiện tiêu hủy đối với thủy sản mắc bệnh chưa đạt kích cỡ thương phẩm, thủy sản giống hoặc thức ăn tươi sống cho thủy sản khác bằng các loại hóa chất trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
Thực hiện khử trùng nước trong bể, ao, vùng nuôi; khử trùng công cụ, dụng cụ, lồng nuôi, lưới; xử lý nền đáy, diệt giáp xác và các vật chủ trung gian truyền bệnh bằng hóa chất sau khi thu hoạch hoặc tiêu hủy thủy sản, đảm bảo không còn mầm bệnh, dư lượng hóa chất và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ngọc Diệp
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn