Lâm Đồng: Cần chiến lược nuôi trồng thủy sản

0

Với địa hình phía Nam Tây Nguyên nguồn nước sông, suối tự nhiên, ao, hồ dồi dào, nghề nuôi trồng thủy sản tỉnh Lâm Đồng đang cần những giải pháp chiến lược để phối hợp tổ chức triển khai đồng bộ, phù hợp qua từng giai đoạn, nhằm phát triển tương xứng hơn nữa với lợi thế, tiềm năng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất và chất lượng sản phẩm cao cho người tiêu dùng.

cá nước lạnh Lâm Đồng

Mục tiêu đến năm 2030, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đáp ứng khoảng 70% nhu cầu giống cá nước lạnh nuôi trồng trên địa bàn

Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Lâm Đồng cho biết, chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2030, toàn tỉnh Lâm Đồng đạt tổng diện tích 2.536 ha, sản lượng 11.577 tấn, tương ứng tỷ lệ tăng bình quân mỗi năm 1,3% và 2,4%. Trong đó diện tích nuôi cá nước lạnh đạt 70 ha, sản lượng ổn định 1.800 tấn. “Toàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh trên cơ sở khai thác diện tích mặt nước, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người sản xuất trên địa bàn…”, theo mục tiêu chiến lược đến năm 2030.

Gắn với mục tiêu chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản là những nhóm giải pháp chiến lược được ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tập trung triển khai theo từng “hạng mục” tương ứng. Đó là chuyển đổi các diện tích vùng trũng thấp, ven sông, suối chuyển sang đào ao, hồ nuôi cá truyền thống tại địa bàn các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông. Bên cạnh đó phục hồi các loài thủy sản giá trị kinh tế tại hồ chứa, đập thủy lợi và hệ thống sông Đồng Nai; chuyển đổi, đa dạng hóa hình thức nuôi lồng bè, trong ao đất, trong bể. Đặc biệt tận dụng, khai thác bền vững hồ chứa thủy lợi, thủy điện, mặt nước sông, suối để áp dung công nghệ mới nuôi trồng các loài thủy sản đặc theo nhu cầu thị trường tiêu thụ, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm. Riêng đối với cá nước lạnh tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trồng trên từng vùng sinh thái phù hợp về nguồn nước, nhiệt độ như TP Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm.

Giải pháp duy trì và phát triển quy mô phát triển nuôi cá nước lạnh đến năm 2030, được UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng chủ trì, phối hợp các sở, ngành và đơn vị liên quan “khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng kỹ thuật và công nghệ mới, cơ giới hóa vào sản xuất, nhằm giảm giá thành sản phẩm, thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện môi trường; phát triển các mô hình nuôi sinh thái, hữu cơ, chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt…”. Qua đó tổ chức lại sản xuất, phát triển chuỗi liên kết gắn sản xuất với sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; áp dụng các biện pháp kỹ thuật và công nghệ hiện đại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cá nước lạnh đặc trưng vùng Nam Tây Nguyên Lâm Đồng. Và nhìn rộng ra với giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới nuôi trồng thủy sản các loại nói chung, toàn tỉnh Lâm Đồng triển khai quy trình nuôi tuần hoàn, nuôi trong ao nước chảy, nuôi trong bể có mái che, nuôi theo công nghệ kỹ thuật biofloc bảo vệ môi trường, phòng, chống một số bệnh trên cá… Ngoài ra, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng còn tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình khuyến nông, đề tài nghiên cứu khoa học về nuôi trồng thủy sản phù hợp điều kiện tự nhiên ở từng địa phương.

Đáng kể thêm ở khâu sản xuất nguồn giống thủy sản, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tổ chức khảo sát, điều tra, bảo tồn, phát triển các loài thủy sản bản địa, đặc hữu tại thủy vực sông Đồng Nai và hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Đồng thời nâng cấp, mở rộng cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá nước lạnh tại TP Đà Lạt, huyện Lạc Dương, huyện Đam Rông, phấn đấu đến năm 2025, đạt diện tích 60 ha, sản lượng 1.500 tấn trên tổng diện tích 2.380 ha nuôi trồng thủy sản nói chung với tổng sản lượng 10.194 tấn. Và giai đoạn chiến lược năm 2026- 2030, bên cạnh đạt tổng diện tích 2.536 ha, sản lượng 11.577 tấn, tương ứng tỷ lệ tăng bình quân mỗi năm 1,3% và 2,4% nói trên, toàn tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đạt các chỉ tiêu đề ra: Tăng trưởng sản xuất thủy sản hàng năm 5,5- 7%; đáp ứng 70% nhu cầu giống cá nước lạnh; mở rộng 3 chuỗi liên kết, ổn định đầu ra 100% sản phẩm cá nước lạnh và 60% trở lên sản phẩm các loại cá truyền thống…

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Leave A Reply

Your email address will not be published.