Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh xen lúa vùng nước lợ

0

Nuôi tôm trong ruộng lúa là hình thức canh tác kết hợp giữa trồng trọt và thủy sản. Hiện nay, mô hình đang phát triển mạnh ở một số tỉnh khu vực ĐBSCL.

Chọn địa điểm nuôi

Địa điểm nuôi trong vùng được quy hoạch cho nuôi tôm càng xanh địa phương. Địa điểm nuôi gần nguồn nước để thuận lợi cho việc cấp và thoát nước. Chất lượng nước đảm bảo các yếu tố: pH từ 7 – 8, độ mặn 0 – 15‰ cho nuôi tôm càng xanh và 0 – 4‰ cho trồng lúa. 

Địa điểm nuôi nằm trong vùng được quy hoạch cho nuôi tôm càng xanh của địa phương. Ảnh: Nhật Hồ

Thiết kế ruộng nuôi

Ruộng có diện tích từ 0,5 – 1,5 ha, tùy theo điều kiện từng nông hộ.

Bờ bao quanh: Chiều rộng mặt bờ 1 – 2 m; Chiều rộng chân bờ 2 – 4 m.

Diện tích mương bao quanh: 20 – 30% diện tích ruộng lúa. Đào cách bờ 0,5 m để tránh xói lở từ bờ xuống mương. Chiều rộng tầng nước mặt mương 2 – 3 m, chiều rộng đáy 1 – 1,5 m. Chiều sâu mương bao 1 – 1,2 m. Mương dốc dần về phía cống. Mực nước mương bao 0,8 – 1,2 m.

Cống bằng xi măng hay ống sành, nhựa, khẩu độ cống 30 – 40 cm. Mặt trảng ruộng là phần mặt ruộng bằng phẳng còn lại để trồng lúa, mực nước trên trảng duy trì từ 0,2 – 0,7 m.

Ao được thiết kết ở đầu ruộng, liền kề với ruộng nuôi. Diện tích ao 10% diện tích ruộng. Mực nước ao từ 1 – 1,4 m. Ao sử dụng để ương và nuôi tôm càng xanh.

Chuẩn bị ruộng

Sau vụ nuôi tôm, dọn dẹp cây cỏ xung quanh bờ ruộng. Sử dụng nước ngọt từ sông, kênh để rửa mặn sau vụ nuôi tôm sú. Tát cạn và sên vét bùn đáy dưới mương bao. Bón vôi với lượng 10 – 20 kg/100 m2 để diệt cá tạp, tạo pH thích hợp cho nuôi tôm. Rải vôi đều trong hệ thống nuôi. Ruộng mới đào mương bao nên rửa phèn kỹ và cải tạo ao, khi pH đạt 7 – 8,5 mới thả tôm giống nuôi.

Phơi đáy mương bao 5 – 7 ngày. Nếu không phơi đáy được thì dùng thuốc cá để diệt cá tạp (0,5 – 1 kg/100 m²).

Cấp nước cho ruộng: Nguồn nước từ sông, kênh, rạch, cấp nước vào ruộng nuôi tôm qua túi lọc để ngăn địch hại. Mực nước trong mương bao 0,8 – 1 m thì bón phân gây màu nước. Lượng phân bón: 1 kg urê + 1 kg DAP/1.000 m² hoặc các sản phẩm gây màu nước cho ruộng nuôi thủy sản để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm và hạn chế tảo đáy (có thể sử dụng bột cá liều lượng 1 kg/1.000 m²). Sau đó cấp nước vào ruộng qua lưới lọc, mắt lưới 1 mm.

Mùa vụ

Mùa vụ thả nuôi từ tháng 7 – 8 dương lịch và thu hoạch tháng 12 hoặc tháng 1 năm sau. Thời gian ương giống và nuôi tôm càng xanh khoảng 5 – 6,5 tháng tùy vào độ mặn của nước. Nước nguồn cấp có độ mặn cao vào tháng 1 thì thu hoạch tôm sớm.

Chọn giống

Chọn tôm càng xanh giống có chiều dài thân 11 – 13 mm (Post 12 – 15), đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quốc gia: Ngoại hình hoàn chỉnh, không bị tổn thương; Màu sắc xám nhạt hoặc xám trong; trạng thái hoạt động thường bơi hướng về phía trước, bám chắc vào đáy và thành bể, phản ứng nhanh với chướng ngại vật và ánh sáng mạnh, hoạt động mạnh khi ngưng sục khí.

Giai đoạn ương từ tôm hậu ấu trùng lên tôm giống

Mật độ thả 10 – 20 con/m². Độ mặn trong ruộng từ 0 – 12‰ ở tháng thứ nhất, từ 0 – 7‰ ở tháng thứ hai.

Cho tôm ăn thức ăn công nghiệp hàm lượng protein 42%, ngày 4 lần (7 – 8h, 10 – 11h, 17 – 18h, 21 – 22h) với khẩu phần ăn 20 – 200% khối lượng tôm trong 4 tuần đầu và giảm dần sau đó. Thức ăn rải đều khắp ao ương hoặc mương.

Đặt sàng ăn từ tuần thứ 3 sau khi thả giống ương để kiểm tra và điều chỉnh lượng thức ăn tôm ăn. Sàng ăn có diện tích 1 m², đặt 4 – 10 sàng ăn/1.000 m² ao hay mương bao.

Định kỳ 10 – 15 ngày thay 20 – 30% nước trong ruộng ương. Sau khi ương 1,5 – 2,5 tháng thì dâng mực nước mương bao cho tôm lên khắp ruộng nuôi. Nếu ương tôm trong ao ương liền kề ruộng nuôi thì tháo bớt nước để kéo tôm thả lên ruộng, hoặc có thể mở bờ ao ương thông với mương bao của ruộng để tôm giống tự di chuyển ra ruộng.

Giai đoạn nuôi từ tôm giống lên tôm thịt

Mật độ tôm giống thả nuôi xen canh với lúa trên ruộng từ 1,5 – 2,5 con/m² tùy theo khả năng bổ sung thức ăn cho tôm trong khi nuôi.
Cho tôm ăn thức ăn công nghiệp chứa 35 – 40% protein và thức ăn tươi sống là cá rô phi, cá chốt hay cá lù đù. Cá nhỏ có thể để nguyên con, cá lớn được cắt khúc cho tôm ăn.

Thời gian cho ăn: 7 – 8h, 16 – 17h, 22 – 23h. Cho tôm ăn thức ăn tươi sống vào buổi sáng, thức ăn công nghiệp vào buổi chiều.

Rải đều thức ăn khắp mặt ruộng, mương bao và đặt trong sàng ăn. Sau 1 – 2 giờ, kiểm tra sàng ăn để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp.

Tôm càng xanh sống chủ yếu ở tầng đáy nên chỉ cho tôm ăn thức ăn vừa đủ, tránh dư thừa.

Giữ ổn định pH từ 7,5 – 8,5 bằng cách tạt nước vôi trong ruộng và rải vôi xung quanh bờ ruộng trước khi trời mưa với lượng 5 – 7 kg/1.000 m². Nhiệt độ từ 27 – 32ºC, duy trì mực nước tối thiểu 0,4 m trên mặt trảng hoặc 0,8 – 1,2 m ở mương bao. Mực nước trên trảng sau khi thu hoạch lúa duy trì ở mức 0,4 – 0,7 m. Đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan từ 3 mg/lit. Định kỳ 2 – 3 lần/tháng thay 10 – 30% lượng nước trong ruộng nuôi. Độ mặn duy trì từ 0 – 10%, cần theo dõi độ mặn vào tháng 12 và tháng 1 năm sau mỗi ngày để khi thay nước không làm tăng đột ngột độ mặn nước ruộng nuôi.

Để tránh địch hại, rào lưới xung quanh bờ ao, kiểm tra hang hốc lỗ mọi và lọc nước kỹ. Nếu có cá tạp thì chài hay giăng lưới bắt cá hoặc có thể sử dụng rễ cây thuốc cá đập ra ngâm nước và tạt vào mương bao sau khi hạ mực nước trên mặt trảng với liều lượng 0,5 – 1 kg/100 m³.
Theo dõi tăng trưởng tôm nuôi 2 lần/tháng bằng cách chài tôm, cân khối lượng tôm, qua đó điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp.

Thu hoạch

Trước khi thu hoạch 5 – 7 ngày cần thay nước nhằm giúp tôm lột vỏ đồng loạt và cứng vỏ. Tháo nước cho tôm xuống mương bao và kéo lưới thu hoạch tôm. Số tôm còn lại được bắt bằng tay. Cỡ tôm thu hoạch từ 30 – 40 g/con. Tỷ lệ sống từ 50 – 60%. Năng suất đạt 300 – 400 kg/ha.

Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia

Leave A Reply

Your email address will not be published.