Sáng 15/4/2024, tại Hà Nội, Cục Kiểm ngư tổ chức “Hội nghị Kiểm ngư Việt Nam 10 năm đồng hành cùng ngư dân, thực thi pháp luật và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU vì một ngành thuỷ sản xanh và phát triển bền vững”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tham dự và chủ trì.
Tích cực hỗ trợ ngư dân
Báo cáo tại Hội nghị, ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết: Từ 2014 đến nay, lực lượng kiểm ngư thực hiện hơn 400 lượt tàu tuần tra; đã quan sát 65.000 lượt tàu (trong đó tàu cá nước ngoài là trên 1.000 lượt chiếc); số tàu đã kiểm tra hơn 10.000 lượt chiếc.
Toàn cảnh Hội nghị Kiểm ngư Việt Nam 10 năm đồng hành cùng ngư dân. Ảnh: HG.
Trong đó, từ năm 2017 gắn với việc chống khai thác IUU, lực lượng kiểm ngư tăng cường số lượt tàu tuần tra, trong đó tập trung vào việc kiểm soát các hành vi nghiêm trọng trong khai thác thủy sản; phối hợp với các lực lượng khác ngăn chặn tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; quan sát, xua đuổi tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, đặc biệt là tàu cá tại vùng biển vịnh Bắc Bộ, Tây Nam bộ.
Từ năm 2014 – 2023, lực lượng kiểm ngư đã xử phạt hoặc chuyển các cấp chính quyền xử phạt vi phạm hành chính hơn 11.000 lượt tàu; lập biên bản cảnh cáo và xua đuổi, phóng thích nhiều lượt tàu cá nước ngoài ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Cùng với việc kiểm soát tình hình khai khác trên biển, trong suốt 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư cũng chú trọng, tập trung phổ biến Luật Thủy sản, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; phổ biến, tuyên truyền đến ngư dân các quy định về chống khai thác IUU, chế độ pháp lý các vùng biển, quy định của các nước về xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, phương thức thông tin liên lạc khi gặp tai nạn, sự cố trên biển…
Từ 2014 đến nay, lực lượng kiểm ngư thực hiện hơn 400 lượt tàu tuần tra. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm ngư đã hỗ trợ nước ngọt, nhu yếu phẩm, cấp phát áo phao, vật tư y tế… cho tàu cá, ngư dân hoạt động trên biển, động viên, khích lệ ngư dân vươn khơi bám biển. Đồng thời, cứu hộ, cứu nạn hàng trăm tàu cá gặp nạn, cứu vớt hàng nghìn ngư dân trên biển. Riêng trong năm 2023, Cục Kiểm ngư đã tiếp nhận 166 vụ/172 tàu/778 người gặp tai nạn, sự cố trên biển. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng cung cấp thông tin, xử lý, cứu hộ, cứu nạn; các lực lượng chức năng đã cứu hộ được 53 lượt tàu/391 người và hỗ trợ y tế cho 17 người bị thương, bị ốm, 09 người bị tai nạn lao động. Tổng hợp, xử lý thông tin 61 tàu/500 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý (không bao gồm Trung Quốc và Campuchia). Năm 2023 đã hỗ trợ 3 trường hợp ngư dân bị tai nạn lao động trên biển của tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang, Cà Mau.
Ngoài ra, lực lượng kiểm ngư còn thường xuyên phối hợp với Cảnh sát biển, Biên phòng thường trực ở các vùng biển giáp ranh, chồng lấn với các nước trong khu vực để ngăn chặn ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đồng thời kịp thời bảo vệ ngư dân khi bị các lực lượng thực thi pháp luật của nước bạn bắt giữ, xử lý tại các vùng biển chồng lấn, giáp ranh chưa được phân định; Phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tham gia đoàn công tác kiểm tra triển khai đợt cao điểm thực hiện chống khai thác IUU khu vực biển giáp ranh với các nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan.
Bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng kiểm ngư. Cụ thể, sau khi được Bộ NN&PTNT giao trọng trách, Cục Kiểm ngư đã chủ động, tích cực tham mưu cho Bộ, Chính phủ ban hành các chương trình, đề án như: Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 5 năm đến năm 2030 ; Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 5 năm đến năm 2030; Chương trình quốc gia về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030; Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; “Hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản” .
Cùng đó, phối hợp, hướng dẫn lập 11/16 khu bảo tồn biển với diện tích đạt 174.748,85 ha, tương ứng 0,175% diện tích vùng biển; trình phê duyệt Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030, để đảm bảo diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam; Phối hợp với các địa phương và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thả tái tạo giống thủy sản tại các lưu vực, trong đó có nhiều loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế; tham mưu, tổ chức việc tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản luân phiên với Trung Quốc.
Đồng thời, thực hiện Đề án truyền thông nâng cao năng lực cộng đồng về bảo tồn biển, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản với nhiều phương thức, loại hình hoạt động…
Hoàn thành nhiệm vụ chống khai thác IUU
Trong hành trình chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) và gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, Cục Kiểm ngư đã tích cực chủ động, phối hợp với các bộ, ngành địa phương liên quan tham mưu Bộ trình Thủ tướng Chính phủ, Ban Bí thư ban hành nhiều văn bản về chống khai thác IUU; Tham mưu Bộ trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, tổ chức nhiều cuộc họp và ban hành các văn bản chỉ đạo các ban, bộ ngành, địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; tham mưu tổ chức các cuộc họp, các Đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai các quy định chống khai thác IUU.
Cùng đó, tiến hành tổng rà soát tàu cá và cập nhật vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia; phân loại theo từng khối tàu để quản lý, đặc biệt là khối tàu cá “03 không”; Thực hiện chủ trương giảm tàu cá và cường lực khai thác, không cho phép đóng mới, cải hoán tàu cá. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng, kể cả các cảng cá, bến cá tư nhân truyền thống theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Sau 10 năm, lực lượng kiểm ngư đã khẳng định được vị trí và thực hiện tốt vai trò, chức năng nhiệm vụ thực thi pháp luật thủy sản trên các vùng biển, đồng hành, hỗ trợ ngư dân, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU vì một ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững.
Chia sẻ về hoạt động của lực lượng kiểm ngư tỉnh, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: Với đặc thù có cả Biển Đông và Biển Tây và nguồn lợi khá phong phú nên lượng tàu các tỉnh về ngư trường Cà Mau khá đông. Ngoài trên 5.000 tàu của tỉnh thì chúng tôi phải kiểm soát ngư trường của tỉnh với số lượng tàu từ 8.000 – 10.000 chiếc, nhất là với giai đoạn mùa vụ cao điểm, áp lực hoạt động chuyên môn của kiểm ngư rất nặng nề. Để hoạt động của lực lượng kiểm ngư của tỉnh hoàn thành tốt tôi có 3 kiến nghị. Thứ nhất là về thẩm quyền xử phạt, khi nào có điều kiện để kiến nghị sửa đổi pháp luật thì cố gắng thực hiện nhanh, vì nó vướng thẩm quyền thì chúng ta không thể chủ động xử lý. Thứ hai, biên chế công chức, vì hiện nay số lượng biên chế của Chi cục Kiểm ngư tỉnh chưa đảm bảo và thứ 3 là tập huấn chuyên môn cho không chỉ cán bộ biên chế.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Vai trò kiểm ngư ngày càng quan trọng khi chúng ta hội nhập sâu vào khu vực và quốc tế. Với vùng biển trên 1 triệu km2, trên 3.200 km bờ biển, đội tàu của ngư 86.820 chiếc, trong đó tàu 15 mét trở lên là trên 29.000 chiếc; sản lượng khai thác trên 38 triệu tấn, chiếm khoảng 46 – 48% tổng sản lượng thủy sản của cả nước. Lực lượng kiểm ngư có vai trò rất quan trọng, cùng với lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng… đảm bảo môi trường pháp lý, vùng biển an toàn cho bà con ngư dân khai thác.
“10 năm qua, từ ngày công bố ra mắt đến nay, lực lượng kiểm ngư có sự cố gắng rất lớn, cùng với lực lượng thực thi pháp luật trên biển thực hiện môi trường pháp lý an toàn cho bà con ngư, góp phần bảo vệ quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Hồng Hà
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn