Với đàn ông, việc vươn khơi bám biển đã là chuyện vất vả nhưng với người phụ nữ, đi biển lại càng khó khăn, gian nan gấp bội. Phụ nữ đi biển, làn da không còn được trắng trẻo, mịn màng, bàn tay cũng trở nên thô ráp, cháy nắng. Dù vất vả là vậy, nhưng ở xã vùng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình) vẫn có không ít phụ nữ ngày ngày cùng chồng vươn khơi, bám biển.
12 năm “đạp” sóng ra khơi
4 giờ chiều, cửa lệch Cảnh Dương trở nên nhộn nhịp, tấp nập tàu thuyền ra khơi trở về. Chiếc tàu nhỏ công suất 25 CV của vợ chồng chị Nguyễn Thị Khánh cũng cập bờ sau chuyến đánh bắt trên biển. Gỡ những con cá, con ghẹ mắc trên lưới đem bán, chị lại tất tả đi chợ mua thực phẩm chuẩn bị cho chuyến đi biển tiếp theo vào sáng ngày mai.
Ở xã Cảnh Dương, phụ nữ đi biển như chị Khánh không nhiều. Nếu có thì chỉ một vài trường hợp đi thuyền thúng gần bờ. Đi biển là công việc nặng nhọc, bởi vậy mà lâu nay công việc này chỉ dành cho nam giới. Chuyện chị Khánh đi biển vì thế mà trở nên đặc biệt và khiến nhiều người trong làng nể phục.
Chị Nguyễn Thị Khánh đã gắn bó với nghề đi biển 12 năm nay.
Chị tâm sự, trước khi đi biển, cũng giống như bao phụ nữ trong làng, chị ở nhà buôn bán, nội trợ và đợi chồng đi biển trở về để phụ bán con ghẹ, con cá cùng chồng. Thế nhưng, được mấy năm thì chồng chị sức khỏe yếu hơn. Anh thường xuyên bị đau lưng, đau cổ, không thể làm những công việc nặng trên tàu.
Thương chồng, muốn đỡ đần công việc đi biển với chồng, chị đã quyết định bỏ công việc buôn bán hàng ngày trên bờ để theo chồng đi biển.
32 tuổi, chị bước chân xuống tàu bắt đầu chặng đường gắn bó với những chuyến ra khơi lênh đênh trên biển. Kể về kỷ niệm đi biển, chị cười nói: “Ngày đầu tiên lên tàu, tôi bị say sóng, nằm li bì cho đến lúc vào bờ”.
Ngỡ bị cơn cơn say sóng hành hạ, chị sẽ từ bỏ luôn ý định đi biển, nhưng sáng hôm sau chị vẫn tự tin bước lên tàu để ra khơi. Có lẽ, vì quyết tâm gắn bó lâu dài với nghề mà chị đã cố gắng vượt qua thử thách để dần quen với những con sóng và những ngày sau đó không còn biết cảm giác say sóng là gì.
Mỗi chuyến đi biển, chị phải dậy từ 2h sáng để cùng chồng chuẩn bị ngư lưới cụ ra khơi. Công việc vất vả, ngày ngày chị phải đi đánh bắt cách bờ 7 hải lý. Thường xuyên “đi sương về gió” nên dáng người chị cũng trở nên rắn rỏi hơn.
Chị bảo, hồi chưa đi biển, da chị cũng trắng trẻo, hồng hào lắm. Vậy mà những lần “đạp” sóng vươn khơi cùng nắng gió, vị mặn của biển đã nhuốm da chị thành màu nâu sạm. Đôi tay cũng trở nên thô ráp, cứng cỏi, không còn mềm mại như xưa. Dù công việc đi biển vất vả, khó khăn trăm bề với một người phụ nữ như chị, nhưng được ra khơi bám biển hàng ngày, với chị đó là niềm vui.
Cái “nghiệp” với biển
Ở Cảnh Dương, ngoài chị Khánh còn có một số chị em trong xã cũng theo nghề đi biển. Cạnh nhà chị Khánh có chị Đậu Thị Huyên cùng chồng đi biển đánh bắt bằng thuyền thúng.
Cách đây 7 năm, do chồng chị sức khỏe yếu, bạn thuyền không có, lại thêm công việc buôn bán ở chợ gặp khó khăn, nên chị Huyên “liều” đi biển phụ chồng. Ngày đi biển bắt đầu từ 4 giờ sáng, ra kéo lưới từ 2 đến 3 tiếng thì vào bờ.
Tay thoăn thoắt đóng lưới chuẩn bị cho đợt đi biển tiếp theo, chị Huyên tâm sự, những ngày biển lặng, sáng chị cùng chồng đi thúng; chiều về chị lại tranh thủ ngồi đóng lưới. Ngày nào biển động thì chị lại buôn bán ở chợ. Công việc cứ vậy không lúc nào ngơi tay.
“Người ta còn biết dưỡng da, chứ tôi đi biển thì chỉ biết dùng nước mặn để rửa mặt. Chưa kể đi biển phải phơi mình hàng tiếng đồng hồ giữa nắng rát và vị mặn bốc lên của nước biển nên mỗi lần đi về người rất mệt mỏi. Nhưng cha ông theo nghề chi thì mình cũng theo nghề nấy. Nghề biển đã nuôi sống gia đình tôi mấy chục năm rồi, giờ chúng tôi cũng bám biển để phát triển kinh tế!”, chị Huyền chia sẻ.
“Đi biển giờ khó khăn lắm. Có ngày đi về chỉ được dăm con cá, con ghẹ, không đủ nấu một bữa ăn. Mỗi chuyến biển gần đây, nếu tính chi phí tiền đèn dầu, lương thực thì lỗ nặng. Cả mấy tháng liền đánh bắt không có hải sản nên vừa rồi, hai vợ chồng tôi có bàn nhau thôi không đi biển nữa. Giờ tôi có sức khỏe, lại còn đủ tuổi nên hai vợ chồng tính cho tôi đi xuất khẩu lao động để thay đổi kinh tế cho gia đình”, chị Khánh tâm sự.
Bàn là vậy, nhưng vài ngày sau, thấy nhiều người trong làng đi bóng về nhiều mực, vợ chồng chị Khánh lại cùng nhau ra khơi. Chị lại bàn với chồng thôi không đi xuất khẩu nữa mà vay mượn tiền của bà con để mua bóng về tiếp tục đi biển.
Với những phụ nữ như chị Huyên, chị Khánh, sau nhiều năm gắn bó, nghề đi biển không chỉ là một nghề kiếm sống mà nó đã trở thành cái duyên, cái nghiệp. “Mình thích nghề đi biển thì mình đi, chứ chồng không bắt buộc hay ép mình đi được!”, chị Khánh cười nói.
Đoàn Nguyệt
Nguồn: Báo Quảng Bình