Khánh Hòa: Quan tâm bảo vệ nguồn lợi thủy sản

0

Thời gian qua, Khánh Hòa đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế đi đôi với bảo vệ nguồn lợi, bảo tồn đa dạng hệ sinh thái ven biển.

Khai thác có hiệu quả

Theo Cục Thống kê Khánh Hòa, quý I/2024, thời tiết trên các ngư trường khai thác tương đối thuận lợi, giá xăng dầu nhiều lần được điều chỉnh giảm; cộng với các đội dịch vụ hậu cần nghề cá, các mô hình nghiệp đoàn nghề cá, tổ hợp tác khai thác thủy sản trên biển tiếp tục được triển khai có hiệu quả đã tạo động lực cho ngư dân vươn khơi bám biển, tăng chuyến ra khơi đánh bắt.

Hoạt động khai thác thủy sản được triển khai hiệu quả trong quý I/2024. Ảnh: Hải Lăng

Hoạt động khai thác thủy sản được triển khai hiệu quả trong quý I/2024. Ảnh: Hải Lăng

Tổng sản lượng thủy sản tháng 3/2024 ước được 12.585,2 tấn, tăng 1,75% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá 10.191,1 tấn, tăng 2,01%, tôm 781,7 tấn, tăng 1,39% và thủy sản khác 1.612,4 tấn, tăng 0,3%. Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 3/2024 ước đạt 10.252,8 tấn, tăng 2,06% so cùng kỳ năm trước (khai thác thủy sản biển 10.240,5 tấn, tăng 2,06% và khai thác thủy sản nội địa 12,3 tấn, tăng 0,82%). Lũy kế quý I/2024, sản lượng thủy sản khai thác đạt 28.157,9 tấn, tăng 2,92% (khai thác thủy sản biển 28.127,5 tấn, tăng 2,92% và khai thác thủy sản nội địa 30,4 tấn, tăng 2,15%).

Bên cạnh đó, công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã được tỉnh chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, liên tục. Nhận thức của ngư dân ngày một nâng cao, từ đó, hạn chế và tiến tới loại bỏ các hành vi vi phạm IUU. Các chủ tàu, thuyền trưởng tuân thủ việc khai báo khi tàu rời cảng và cập cảng lên cá, mang đầy đủ các giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng… Cùng đó, việc kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, sản lượng lên bến được chú trọng, đảm bảo được truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, làm căn cứ cho việc xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác và chứng nhận nguồn gốc thủy sản. Công tác xử phạt các hành vi vi phạm khai thác IUU đã được tăng cường.

Duy trì hoạt động thả giống

Cùng với các hoạt động tuyên truyền, tuần tra, xử lý nghiêm những trường hợp khai thác thủy sản theo cách hủy diệt ở vùng biển ven bờ… việc huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng ngư dân tham gia thả con giống hàng năm cũng góp phần không nhỏ chung tay tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Theo đó, liên tục từ năm 1992 đến nay, ngành nông nghiệp Khánh Hòa đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp và ngư dân duy trì hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản vào dịp Ngày truyền thống ngành Thủy sản (1/4). Hàng chục triệu con giống các loài thủy sản đã được thả xuống để tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các vùng đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này còn góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng, ngư dân về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, bảo vệ đa dạng sinh học.

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT Khánh Hòa cho biết, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay, hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản ven bờ ở các địa phương trong tỉnh đã có nhiều kết quả tích cực. Cụ thể như số lượng tàu khai thác giảm từ hơn 5.530 chiếc xuống còn 1.810 chiếc; nhận thức của ngư dân được nâng lên, hoạt động khai thác bằng nghề cấm, trong vùng cấm đã giảm mạnh, nhiều người chuyển đổi nghề sang nuôi trồng thủy sản; 15 tổ đồng quản lý nguồn lợi thủy sản ven bờ tại các địa phương ven biển được thành lập, phát huy hiệu quả; nguồn lợi thủy sản ở nhiều khu vực phục hồi tốt như ở Rạn Trào hay khu vực Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa)…; đời sống ngư dân vùng ven bờ cũng được cải thiện.

“Hoạt động khai thác hải sản có đóng góp rất lớn trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Hy vọng năm 2024, ngư dân trong tỉnh sẽ khai thác thủy sản đạt hiệu quả cao, tiếp tục chấp hành nghiêm quy định để góp phần cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam”, ông Nguyễn Duy Quang chia sẻ.

Nguyễn An

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.