Sau 14 năm, từ vài chục lồng nuôi thí điểm, hiện toàn huyện Quỳnh Nhai đã có 30 hợp tác xã nuôi cá lồng hiệu quả trên lòng hồ thủy điện Sơn La.
4.500 lồng cá, hơn 300 thành viên tham gia
Là huyện trọng điểm về công tác di dân tái định cư thủy điện Sơn La, những năm qua, cùng với việc tập trung ổn định dân cư, huyện Quỳnh Nhai đã định hướng cho nhân dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi, đánh bắt thủy sản gắn với phát triển di lịch.
Đến nay, định hướng này đã phát huy được hiệu quả. Số lượng lồng nuôi cá của các hợp tác xã (HTX) thủy sản và sản phẩm cá sông Đà Sơn La cùng một số sản phẩm thủy sản như cá tép dầu, chả cá… đã trở thành các sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện, của tỉnh. Diện mạo đời sống người dân Quỳnh Nhai đang dần đổi thay, tạo tiền đề vững chắc để huyện về đích nông thôn mới năm 2025.
Với diện tích lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn hơn 10.500ha, từ tháng 10/2010, huyện Quỳnh Nhai đã phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản Sơn La tiến hành nuôi thí điểm cá lồng tại xã Chiêng Bằng theo nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình 30a của Chính phủ. Đây là mô hình khởi điểm thành công đầu tiên được triển khai hỗ trợ cho 20 hộ dân tái định cư của xã Chiềng Bằng.
Huyện Quỳnh Nhai đang tập trung phát triển nghề nuôi cá lồng gắn với phát triển du lịch. Ảnh: Văn Thiệu.
Khởi nguồn từ 03 HTX thuỷ sản đầu tiên trong năm 2010 – 2011, đến nay huyện Quỳnh Nhai đã có gần 30 HTX thủy sản đang hoạt động có hiệu quả với tổng số hơn 4.500 lồng cá và hơn 300 thành viên tham gia. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện đạt 275ha. Tổng sản lượng nuôi thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 926 tấn. Trong đó, sản lượng cá nuôi 661 tấn, sản lượng tôm, cá đánh bắt 265 tấn.
Ông Điêu Chính Hải, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quỳnh Nhai cho biết: Nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai hiện được xác định là một trong những ngành nghề chính trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Để duy trì và phát triển nghề nuôi thủy sản bền vững, Phòng NN-PTNT đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo duy trì số lồng hiện có của các HTX, tăng cường công tác xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó tuyên truyền, vận động các HTX, doanh nghiệp bổ sung và xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản nuôi cũng như đảm bảo phát triển bền vững…
Du khách tham quan mô hình nuôi cá lồng của các HTX thủy sản tại huyện Quỳnh Nhai. Ảnh: Văn Thiệu.
Tính đến nay, sau 14 năm đầu tư mở rộng quy mô nuôi thủy sản, từ chỗ chỉ có 20 lồng cá thí điểm ban đầu ở xã Chiềng Bằng, đến nay toàn huyện Quỳnh Nhai đã phát triển lên hàng nghìn lồng cá, với nhiều chủng loại cá được thị trường ưa chuộng như trắm cỏ, chép, cá lăng, rô phi, nheo… Đây là những giống cá có khả năng tích nghi với điều kiện về khí hậu, nguồn nước sông Đà và mang lại giá trị kinh tế cao.
Tiếp tục mở rộng quy mô
Trở lại thăm gia đình ông Lò Văn Khặn ở bản Co Chặm (nay là bản Bung Én, xã Chiềng Bằng) – một trong những hộ gia đình đi đầu thí điểm nuôi cá lồng trên sông Đà. Trong câu chuyện cởi mở, ông tâm sự: 14 năm trước, lúc di dân từ lòng hồ sông Đà lên nơi ở mới, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Ông đã vận động bà con tham gia vào HTX thuỷ sản Chiềng Bằng.
Quá trình nuôi thủy sản đã đúc rút cho ông và các thành viên trong HTX nhiều kinh nghiệm quý báu trong chăm sóc phòng bệnh cho cá. Hiện nay, HTX thuỷ sản Chiềng Bằng có 46 thành viên, đang nuôi 460 lồng cá, với các loại cá đặc sản như cá lăng, cá nheo, cá trắm, chép, cá rô phi… Sản lượng cá hàng năm đạt 60 tấn/năm.
Không chỉ có tiềm năng nuôi thủy sản, lồng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai còn rất thuận lợi để phát triển du lịch. Ảnh: Văn Thiệu.
So với nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá cho hiệu quả kinh tế cao hơn… Tuy nhiên để nghề nuôi cá phát triển bền vững, người dân và các HTX cũng mong muốn tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện cho vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp để mở rộng quy mô nuôi; hỗ trợ con giống và tham gia chuỗi liên kết nuôi, tìm đầu ra ổn định…
Bà Điêu Quỳnh Nga – Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng cho biết: Đối với xã Chiềng Bằng, nuôi cá lồng hiện là nghề chủ lực của người dân. Hằng năm, Đảng bộ xã luôn đưa các nội dung về phát triển nuôi cá lồng vào chỉ tiêu thực hiện trong nghị quyết. Xã thường xuyên phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chấp hành đánh bắt thủy sản theo quy định; hướng dẫn nhân dân kỹ thuật chăm sóc cá lồng, phòng bệnh cho cá nuôi. Tuyên truyền, vận động các HTX thường xuyên tham gia tập huấn, nâng cao kỹ thuật nuôi thủy sản và hoạt động theo Luật HTX.
Ông Lò Văn Khặn ở bản Co Chặm (nay là bản Bung Én, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai) hướng dẫn bà con cách cho cá ăn. Ảnh: Văn Thiệu.
Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, hiện nay huyện Quỳnh Nhai đang khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư mua tàu thuyền, cá giống; mở rộng quy mô nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, trọng tâm thực hiện tại các xã Mường Giàng, Chiềng Bằng, Mường Chiên, Chiềng Ơn, Pá Ma Pha Khinh, Cà Nàng, Mường Sại và Chiềng Khoang.
Văn Thiệu
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam