Hướng tới những thay đổi mới

0

2021 là một năm nhiều khó khăn với các ngành nghề trên cả nước khi đại dịch COVID-19 bùng phát và lây lan rộng khiến cho hoạt động sản xuất bị đình trệ, giao thương đứt đoạn… Trước những trở ngại đó, Hội Nghề cá Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực để hỗ trợ các doanh nghiệp, bà con nông dân, ngư dân và hội viên vượt qua “sóng dữ”.

Mở rộng tổ chức

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết hoạt động Hội năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022, Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam Hoàng Đình Yên nhấn mạnh, năm 2021, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã có nhiều tác động ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân cả nước nói chung và hội viên, ngư dân trong lĩnh vực thủy sản nói riêng. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn đó, Hội Nghề cá Việt Nam vẫn phát triển ổn định, thu về những kết quả khả quan. Ban Chấp hành Hội, các Ban, đơn vị, các Tỉnh hội thường xuyên được củng cố. Hội đã kết nạp thêm 1 đơn vị hội viên tập thể và 1 hội viên cá nhân; thành lập Trung tâm Phát triển Kinh tế và Môi trường thủy sản…

Mặc dù trải qua một năm nhiều khó khăn, nhưng các đơn vị trực thuộc Hội vẫn hoạt động ổn định. Nhiều Tỉnh hội địa phương đã kiện toàn và bổ sung Ban chấp hành, Ban thường vụ, phát triển hội viên cơ sở, vận động hội viên tích cực tham gia đẩy mạnh hoạt động của Hội, hoạt động thủy sản tại địa phương, góp phần vào thúc đẩy sự phát triển của ngành và hỗ trợ ngư dân.

Đặc biệt, trong năm qua, Trung ương Hội cùng với Hội Nghề cá Hải Phòng đã tổ chức thực hiện các hoạt động vận động bầu cử Quốc hội cho đại biểu của Hội. Kết quả, ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

 

Hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân luôn có sự song hành của Hội Nghề cá Việt Nam. Ảnh: Sở NN&PTNT Nghệ An

Những tiếng nói kịp thời

Để đảm bảo an toàn cho ngư dân cũng như góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Hội cũng đã kịp thời lên tiếng phản đối các hành vi của nước ngoài xâm phạm đến các quyền và lợi ích của ngư dân trên vùng biển nước ta. Phản đối Trung Quốc đơn phương ban hành Quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, trong đó có vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam; phản đối phía Trung Quốc đưa tàu cá xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam cụm đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam…

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội, các đơn vị của Hội, các Tỉnh hội đã có nhiều hoạt động chủ động để kịp thời tham gia hỗ trợ cho hội viên. Hội có nhiều văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong sản xuất thủy sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài. Kiến nghị giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển khai thác thủy sản, tháo gỡ khó khăn trong vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67; kiến nghị giải pháp trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” EC; tăng nguồn vốn đầu tư để năng cấp hoàn thiện hệ thống cảng cá, các khu neo đậu tránh trú bão…

Cùng với đó, các cấp Hội đã có nhiều hình thức tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức khai thác và hậu cần dịch vụ, động viên ngư dân bám biển sản xuất; vận động hội viên, ngư dân thực hiện các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, không vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, Trung ương Hội và các Tỉnh hội đã chủ động tổ chức các cuộc hội thảo tìm cách tháo gỡ khó khăn và phát triển NTTS; kiến nghị lên Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh, thành phố giải pháp cụ thể nhằm giải quyết khó khăn cấp bách cho người nuôi tôm, cá tra; tổ chức thành công Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 3 tại TP Cần Thơ (từ ngày 14 – 16/4/2021). Ngoài ra, Hội cũng tích cực tham gia thực hiện các chương trình, dự án, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, chuyển giao công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế… Thêm nữa là công tác tuyên truyền của Hội trong năm qua tiếp tục được đẩy mạnh và đánh giá cao. Hội Nghề cá Việt Nam có hệ thống báo chí rộng, gồm: Tạp chí chuyên ngành Thủy sản Việt Nam, ấn phẩm Con Tôm, trang thông tin điện tử ở địa chỉ www.thuysanvietnam.com.vn; contom.vn; vietfishmagazine.com.vn. Đặc biệt, từ tháng 10/2021, Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã xuất bản ấn phẩm tiếng Anh bằng file PDF, nhằm giới thiệu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tới người tiêu dùng trên thế giới… Bước đầu, ấn phẩm đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của bạn đọc trong nước và quốc tế.

Đổi mới nâng cao hiệu quả

Bên cạnh những kết quả đạt được, năm qua, hoạt động của Hội và nhiều Tỉnh hội chưa thực sự hiệu quả, mối quan hệ giữa Trung ương Hội với một số hội thành viên và hội viên còn thiếu gắn bó. Sự phối hợp giữa tổ chức Hội với các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý còn hạn chế…

Để phát huy hiệu quả trong hoạt động, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam đã xây dựng Dự thảo Đề án đổi mới hoạt động Hội theo hướng từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động, phù hợp với yêu cầu hoạt động trong thời kỳ mới. Đây là bước đi quan trọng để nâng cao hơn nữa vị thế của Hội và tăng hiệu quả trong các hoạt động. Trong đó, ưu tiên chiến lược trong Đề án là Tổ chức bộ máy hoạt động chuyên nghiệp. Cụ thể, Ban thư ký sẽ phân thành hai nhóm chính gồm: Nhóm chuyên làm các phần việc mang tính chính trị như: Chủ trương chính sách của Bộ, ngành, vấn đề về đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích cho hội viên. Những phản biện về chính sách, những văn bản đề xuất, kiến nghị… như hiện nay; Nhóm thứ hai tập trung vào các hoạt động dịch vụ: Tư vấn pháp lý, kết nối, giao thương nội khối, sự kiện, truyền thông… tạo ra nguồn thu cho hoạt động của Hội.

Cùng đó, xây dựng hệ thống dịch vụ cho hội viên. Cụ thể, xem xét nhu cầu các hội viên mà Trung ương Hội có thế mạnh. Xây dựng các đề tài, đề án của các tổ chức, doanh nghiệp tạo ra giá trị gia tăng, tạo nguồn thu; Gắn lợi ích của hội viên khi tham gia vào tổ chức Hội, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, hội viên (như: lobby về chính sách, kết nối cho hội viên hợp tác cùng nhau, giới thiệu sản phẩm cho hội viên, doanh nghiệp…); Tăng cường kết nạp hội viên mới, những hội viên có uy tín, thế mạnh. Ưu tiên những hội viên có tiềm lực về tài chính và hoạt động có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành thủy sản; Mở rộng hợp tác quốc tế, quảng bá sản phẩm, dịch vụ để nâng hình ảnh, uy tín của tổ chức Hội; Xây dựng mô hình hoạt động tạo nguồn thu hiệu quả.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Hội Nghề cá Việt Nam như “cánh tay nối dài” của ngành thủy sản đến với nông dân, ngư dân. Tổng cục Thủy sản đánh giá cao hoạt động của Hội trong năm qua. Với sự linh hoạt trong các hoạt động và đa dạng thành phần hội viên, Hội Nghề cá Việt Nam sẽ thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra để góp phần vào sự phát triển ngành thủy sản vững mạnh”.

Phan Thảo

Leave A Reply

Your email address will not be published.