Sử dụng vi sinh trong nuôi trồng thủy sản đã dần trở thành xu thế để hạn chế việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh ảnh hưởng đến chất lượng tôm đầu ra, gây mất giá thành. Chính vì vậy, để bà con có thể tự mình ủ vi sinh cũng như sử dụng chúng đúng cách, Tép Bạc xin gợi ý cách làm qua bài viết dưới đây.
Hệ vi sinh đóng vai trò quan trọng trong nuôi tôm cá
Cải thiện chất lượng nước : Vi sinh có thể giúp cải thiện chất lượng nước trong ao tôm bằng cách phân hủy chất thải hữu cơ và các chất ô nhiễm khác.
Vi sinh cũng có thể giúp kiểm soát mức độ ô nhiễm và ức chế vi khuẩn, vi rút gây hại trong ao tôm.
Tăng quá trình phân hủy, giảm các chất tích tụ dưới đáy ao, hạn chế sinh ra khí độc. Thúc đẩy quá trình chuyển hóa hoàn toàn, tạo ra dạng không gây độc cho tôm.
Hỗ trợ sức khỏe tôm : Vi sinh có thể giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột của tôm, giúp tôm tiêu hóa tốt hơn và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn. Ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh và giảm nguy cơ nhiễm trùng cho tôm.
Kích thích tảo có lợi phát triển, gây màu nước : Vi sinh vật giúp kích thích sự phát triển của một số tảo có lợi như: tảo khuê, tảo lục,… Và hạn chế sự phát triển của tảo có hại như: tảo lam,tảo giáp, tảo mắt,… Khi tảo khuê phát triển sẽ tạo ra màu nước ổn định (màu trà nhạt) thích hợp cho sự phát triển của tôm.
Cách ủ men vi sinh an toàn hiệu quả
Nguyên liệu cần có
– EM gốc 1,5 lít. Bà con có thể mua Em gốc tại các cửa hàng thuốc thủy sản tại địa phương, lưu ý nên lựa chọn loại EM gốc chất lượng
– Mật rỉ đường 5 lít
– Cám gạo 2 kg
– Muối hột 10 gram
– Nước sạch 43 lít
– Thùng phuy sạch, kích thước từ 50 – 100 lít và có nắp đậy kín
Với tổng các nguyên liệu trên, bà con có thể thu được 50 lít men vi sinh sau khi ủ thành công.
Vi sinh giúp màu nước ao có màu đẹp hơn
Bước 1: Cho trước khoảng 10 lít nước vào thùng phuy, sau đó cho 1,5 lít EM gốc vào.
Bước 2: Đong đúng 5 lít mật rỉ đường, sau đó cho vào thùng phuy
Bước 3: Cho 2kg cám gạo vào thùng phuy, sau đó tiến hành khuấy đều thật nhanh
Bước 4: Kế tiếp cho 10g muối bột vào và cuối cùng tiến hành đổ thêm nước đến khi đủ 50 lít thứ cấp.
Sau khi đã hoàn thành xong các bước trên, bà con tiến hành đậy nắp lại kín và để trong vòng 5 -7 ngày.
Sau 5 – 7 ngày ủ xong, bà con mở nắp kiểm tra, nếu như trên bề mặt có lớp men trắng, nổi đầy bề mặt thùng, lên men đều, có mùi thơm chua ngọt thì chế phẩm của mình ủ đã thành công và có thể tiến hành sử dụng để tạt tạo màu nước chuẩn bị thả nuôi.
Tỉ lệ sử dụng thành phẩm sau khi đã ủ xong là khoãng 300 lít cho 5000m2. Mỗi lần dùng 100 lít, cách 2 ngày đánh 1 lần.
Men vi sinh được ủ trong thùng phuy
Lưu ý trong quá trình tạt, bà con mình nên chạy quạt liên tục đến khi đạt được màu nước đẹp thì bắt đầu thả tôm giống.
Khi môi trường ao nuôi có hàm lượng khí độc tăng cao, nước có nhiều cặn bã, nước phát sáng thì nên tăng liều lượng sử dụng men vi sinh lên gấp đôi.
Tuyệt đối không được sử dụng men vi sinh cùng với những loại hóa chất có tính diệt khuẩn như thuốc tím, kháng sinh, Chlorine,…
Trước khi sử dụng men vi sinh cần kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi về mức ổn định.
Hầu hết các loại men vi sinh được khuyến cáo sử dụng vào lúc trời mát.
Chỉ nên mua các sản phẩm có nhãn mác, bao bì, xuất xứ rõ ràng.
Ngoài ra hiện nay trên thị trường có rất nhiều chế phẩm vi sinh đa dạng, bà con có thể thoải mái mua về sử dụng mà không cần tốn quá nhiều thời gian. Khi sử dụng cần làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất, tránh tự ý sử dụng với liều lượng khác sẽ ảnh hưởng đến tôm nuôi.
Mây
Nguồn: Tép Bạc