Vì ngành thủy sản bền vững, Nghệ An đang tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng theo khuyến nghị của EC và đã có nhiều chuyển biến.
Ngay sau đợt thanh tra thực tế lần thứ 4 của Đoàn Thanh tra EC vào tháng 10/2023, bám sát định hướng của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, tỉnh Nghệ An đã ban hành 24 văn bản chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác IUU trên địa bàn.
Quá trình thực hiện, Nghệ An tập trung thống kê, rà soát đối với nhóm tàu cá “3 không”, từ đó hướng dẫn chủ tàu thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp phép đúng quy định nhằm chấm dứt tình trạng khai thác trái phép. Ngoài ra đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát sản lượng khai thác tại các cảng cá, bến cá để đảm bảo tính chính xác, minh bạch.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật, đặc biệt là xử lý vi phạm đối với tàu cá mất kết nối VMS, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 2644/QĐ-UBND ngày 9/10/2024 về Quy chế phối hợp quản lý, khai thác, sử dụng và xử lý dữ liệu giám sát, giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì điều tra, xác minh.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm chống khai thác IUU là nội dung mang tính cốt lõi để phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, Nghệ An đang tập trung xử lý dứt diểm những vướng mắc, tồn đọng dai dẳng. Đây là nội dung bao hàm, đòi hỏi nguồn lực, nhân lực lớn.
Từ nhu cầu cấp thiết đặt ra, Sở NN-PTNT Nghệ An đã chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, chính quyền địa phương cấp huyện, xã tiến hành kiểm tra, rà soát, lập danh sách chi tiết tàu cá hoạt động trên địa bàn. Ghi nhận đến ngày 28/10/2024, toàn tỉnh Nghệ An có 3.158 tàu thuyền khai thác thủy sản. Qua phân loại, có 2.876 chiếc thuộc diện phải đăng ký (có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên), qua đánh giá 100% đủ điều kiện hoạt động (được đánh dấu, kẻ số đăng ký theo quy định tại Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT).
Với những tàu cá không đủ điều kiện hoạt động, đang nằm bờ, yêu cầu chủ tàu không lưu giữ ngư cụ, trang thiết bị khai thác. UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo các xã/phường, thôn/xóm cử bộ phận chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các đồn, trạm kiểm soát biên phòng tuyến biển thường xuyên giám sát vị trí neo đậu của các tàu cá chưa lắp đặt VMS, không duy trì kết nối VMS, không đăng ký, không có giấy phép khai thác thủy sản…, đồng thời kiên quyết không cho xuất lạch.
Sự nhập cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng đã tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của các chủ tàu, thể hiện qua số vụ vi phạm giảm rõ rệt trong thời gian qua. Đơn cử như 10 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 81 vụ vi phạm hành chính với số tiền xử phạt 238 triệu đồng, tịch thu 2 kích điện, 1 bộ lưới kéo, 60m dây điện. Qua rà soát, đối chiếu, từ tháng 10/2023 đến nay Nghệ An không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Để công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp tiếp tục mang lại hiệu quả trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An kiến nghị 2 nội dung trọng tâm sau: Xây dựng, ban hành các chế độ, chính sách phù hợp cho lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh; cấp, ngành trung ương có biện pháp kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các đơn vị đăng kiểm không thực hiện đúng quy định, yêu cầu cập nhật dữ liệu đăng kiểm lên hệ thống VNFishbase nhằm đảm bảo theo dõi, đánh giá đúng thực tế.
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam