Hòa Bình: Thế mạnh nuôi thủy sản lòng hồ gắn phát triển du lịch

0

Hòa Bình là địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Đặc biệt, khi kết hợp giữa nuôi cá lồng và du lịch sinh thái trên lòng hồ được kỳ vọng mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho địa phương.

Khai thác tiềm năng

Hồ Hòa Bình nằm trên địa bàn TP Hòa Bình và 4 huyện Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc và Mai Châu, có vẻ đẹp hoang sơ tự nhiên, được ví như Hạ Long trên núi. Dung tích của hồ Hòa Bình vào khoảng 9,45 tỷ m3, diện tích mặt hồ khoảng 8.900 ha. Hồ Hòa Bình tuy không xây dựng cho mục đích thủy sản, nhưng với điều kiện thuận lợi về mặt nước rộng, dòng chảy phù hợp cho phát triển nuôi cá lồng bè.

Nuôi cá lồng bè trên hồ Hòa Bình trong giai đoạn 2015 – 2023 phát triển rất nhanh, số lồng nuôi cá, năm 2015 là 2.317 lồng đến năm 2023 là 4.987 lồng, tăng 2.670 lồng, tỷ lệ tăng 115, 23% bình quân tăng 14,4%/năm; với các loài chính như: cá chiên, cá lăng chấm, điêu hồng, trắm đen, bỗng, tầm, trắm cỏ, rô phi… Hình thức nuôi lồng, bè nuôi gồm lồng nuôi cá truyền thống bằng gỗ, bương, tre, luồng và lồng nuôi cải tiến khung sắt, lưới.

Hòa bình: Thủy sản lồng hồ

Mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp phát triển du lịch trên lòng hồ thủy điện tại tỉnh Hòa Bình giúp nhiều hộ nông dân có thu nhập 500 – 700 triệu đồng. Ảnh: Lê Huệ

Hiện tại trên Hồ Hòa Bình đã hình thành mô hình hộ dân vừa nuôi cá lồng cung cấp cho thị trường, vừa gắn với phát triển du lịch sinh thái, giải trí. Các hộ dân đã chủ động kết hợp vừa nuôi cá, vừa đầu tư thuyền du lịch để phục vụ du khách như: dịch vụ đưa đón khách trên thuyền vào các điểm tham quan trong quần thể hồ Hòa Bình, phục vụ nhu cầu ẩm thực ngay trên thuyền, đưa khách tham quan khu nuôi cá, chế biến các món ăn từ sản phẩm cá lồng… Nhờ những cách làm này, du khách được trải nghiệm những dịch vụ mới mẻ, tham quan và sử dụng dịch vụ, sản phẩm đặc sản của địa phương.

Mô hình này đã mở ra hướng đi mới trong mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, tăng sản lượng, tiêu thụ, giá trị sản xuất thủy sản, đây là cơ hội giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân và đặc biệt còn thúc đẩy các hoạt động du lịch phát triển, tạo ra các sản phẩm du lịch mới, đa dạng sản phẩm du lịch. Qua đó, cũng là lời mời gọi du khách đến với du lịch Hòa Bình, góp phần phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Là một trong số những đơn vị sớm kết hợp nuôi cá lồng với làm du lịch, ông Hà Văn Cương, Giám đốc Hợp tác xã Passion Hòa Bình cho biết, Hợp tác xã có hơn chục thành viên đều sinh sống lâu năm ở lòng hồ Hòa Bình cùng nhau kết hợp nuôi cá lồng. Một năm trung bình mỗi thành viên hợp tác xã cũng thu nhập được hơn 100 triệu đồng. Hiện nay, cùng với nuôi cá lồng hợp tác xã đang kết hợp xây dựng các khu nhà nổi làm nhà hàng, homestay phục vụ khách du lịch.

Nâng tầm giá trị

Khu Du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016, định hướng tổng thể phát triển du lịch cho khu vực. Hiện tỉnh Hòa Bình đang ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi cá lồng tập trung trên hồ Hòa Bình, xây dựng mô hình nuôi cá công nghệ cao sử dụng vật liệu lồng bè thân thiện với môi trường. Đồng thời, tổ chức sắp xếp hiệu quả khu vực lồng bè nuôi, trồng thủy sản gắn với du lịch khu vực hồ Hòa Bình.

Mới đây, ngày 5/6/2024, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 966/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030: Hòa Bình xây dựng 8 vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè tập trung gắn với các tua, tuyến, điểm du lịch khu vực hồ Hòa Bình (không xung đột với giao thông thủy, đảm bảo vệ sinh môi trường, chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt và không tác động tiêu cực đến vận hành thủy điện). Số lồng nuôi 10.000 lồng; sản lượng đạt 16.000 tấn/năm; giá trị sản xuất thủy sản đạt 500 tỷ đồng/năm. 100% cơ sở nuôi cá lồng nắm được kiến thức về kỹ thuật nuôi cá lồng, bảo vệ môi trường sinh thái và nghiệp vụ hướng dẫn, quản lý hoạt động du lịch. 80% cơ sở nuôi cá lồng áp dụng quy trình VietGAP hoặc tương đương kết hợp với các hoạt động du lịch như tham quan, học tập, câu cá giải trí và trải nghiệm về nuôi thủy sản, tạo ra sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, góp phần thu hút khoảng 1.600.000 lượt khách du lịch đến với khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình. Giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động với khoảng 1.600 lao động trực tiếp.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT triển khai một số nhiệm vụ như: Tổ chức phát triển các mô hình nuôi thủy sản lồng bè trên hồ chứa gắn với du lịch. Hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng bè và tuyên truyền phổ biến pháp luật về thủy sản. Mời các doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản. Phối hợp với các đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm như: công nghệ ương, nuôi bể nổi, công nghệ Biofloc, Semi-Biofloc, công nghệ tuần hoàn, nhà kín… để tăng năng suất, giá trị sản xuất thủy sản.

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng bản đồ số hóa dữ liệu quan trắc, cảnh báo môi trường nguồn nước các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh, để tích hợp vào hệ thống dữ liệu quan trắc nuôi trồng thủy sản quốc gia, phục vụ cho hoạt động nuôi trồng, truy xuất dữ liệu về môi trường.

Chủ trì phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng bản đồ dịch tễ kiểm soát, phòng chống các loại dịch bệnh thủy sản nguy hiểm theo quy định cảnh báo của cơ quan có thẩm quyền, Tổ chức Thú y thế giới IOE trên đối tượng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu…

Còn UBND các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch phát triển thủy sản hồ chứa gắn với du lịch giai đoạn 2023 – 2030 của địa phương để triển khai thực hiện. Tổ chức triển khai thực hiện việc cắm phao giới hạn, phao tín hiệu vùng nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch, neo đậu lồng bè trên địa bàn. Giao quyền quản lý, sử dụng vùng nước thủy nội địa cho các tổ chức cộng đồng ngư dân thực hiện đồng quản lý, bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Tổ chức quản lý các hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản, tham quan, du lịch theo thẩm quyền. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển thủy sản trên địa bàn. Hàng năm bố trí, dành nguồn vốn ngân sách địa phương cho việc triển khai nội dung Đề án trên địa bàn.

Hiện nay có một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống lồng, bè nuôi tiên tiến, nuôi theo hình thức thâm canh tại hồ Hòa Bình như: Công ty TNHH Thủy hải sản Hải Đăng có 200 lồng nuôi với thể tích 21.600 m³, Công tỵ TNHH Xây dựng và Dịch vụ Cường Thịnh có 240 lồng với thể tích 25.920 m³, Công ty TNHH Thủy sản Hưng Nguyên có 180 lồng với thể tích 19.440 m³, Công ty TNHH Thủy sản Mavin Hòa Bình có 10 lồng tròn nhựa HDPE, 75 lồng vuông thể tích 3.780 m³.

Hải Lý

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.