Mặc dù khu vực ấp Rạch Rê, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng luôn gặp khó khăn do nguồn nước phèn từ các lâm trường, nhưng Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã giúp nhiều hộ nuôi tôm nơi đây đạt được những vụ nuôi thành công hơn mong đợi nhờ mô hình, sản phẩm và công nghệ chất lượng.
Một trong những hộ nuôi thành công ở ấp Rạch Rê trong vụ nuôi đầu năm 2024 phải kể đến là anh Nguyễn Văn Út. Điều đáng nói hơn là sự thành công của anh Út không phải đến từ mô hình ao lót bạt đáy theo hình thức siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, mà nó đến từ mô hình “đáy lưới, bạt bờ” dễ vận hành, dễ quản lý và có tỷ lệ thành công cao. Đây cũng chính là mô hình mà Công ty C.P. thiết kế để dành riêng cho những hộ không có đủ điều kiện về tài chính nhưng cũng có thể thả nuôi đạt sản lượng cao và tỷ lệ rủi ro thấp.
Trở lại với câu chuyện của vùng nuôi đầy khó khăn tại ấp Rạch Rê mà nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nước nơi đây không được tốt như những vùng nuôi khác, mà người nuôi thì lúc nào cũng muốn thả nuôi với mật độ cao theo mô hình ao đất truyền thống. Đây cũng chính là lý do vùng nuôi này chưa thể phát triển mạnh được dù nó nằm kề con sông Nhu Gia rất dồi dào nước. Vậy vì sao anh Út lại có được những vụ nuôi thành công chỉ với mô hình ao nuôi đáy lưới, bạt bờ? Lý giải cho vấn đề này, anh Út chia sẻ: “Đó là quy trình xử lý nước, là những sản phẩm đầu vào, như: con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học… có chất lượng cao và quan trọng không kém là sự tận tâm đồng hành với người nuôi tôm của cán bộ kỹ thuật của Công ty C.P. trong suốt quá trình nuôi”.
Vụ nuôi năm nay vốn được xem là không hề dễ dàng khi ngoài chuyện nắng nóng gay gắt, còn có thêm dịch bệnh xuất hiện ngay từ đầu năm và nhất là giá tôm cũng không cao nên chỉ cần sơ suất, người nuôi rất dễ bị thua lỗ. Do vậy, với quy mô chỉ 3 ao đáy lưới, bạt bờ (2.000 m²/ao), anh Út chỉ thả giống ương dèo trong 1 ao, đợi đến khi tôm đạt kích cỡ mong muốn thì tiến hành san thưa ra 2 ao còn lại. Với cách làm này, anh Út tiến hành thả nuôi 450.000 tôm giống của Công ty C.P. và sử dụng các sản phẩm chuyên dùng chất lượng cao của Công ty C.P., như: thức ăn, chế phẩm sinh học giai đoạn dèo… nên tỷ lệ sống và tốc độ tăng trọng của tôm giai đoạn này đạt khá cao.
Với quyết tâm nuôi tôm về cỡ lớn để bán được giá cao, nên sau thời gian dèo anh Út tiến hành san thưa (từ 1 ao thành 3 ao) để vừa giảm sức tải môi trường, hạn chế dịch bệnh vừa giúp tôm tăng trọng nhanh. Do chỉ là ao đất lót lưới nên đến khi tôm đạt kích cỡ 70 con/kg anh tiến hành thu tỉa được 3,5 tấn, số còn lại anh tiếp tục nuôi về kích cỡ lớn để có sản lượng và giá bán cao. Hiện số tôm còn lại của anh đã được 81 ngày tuổi, tôm đã vô cỡ 32 con/kg, giúp anh thêm tự tin vào vụ nuôi này. Anh Út cho biết thêm: “Đến giờ phút này có thể nói vụ nuôi này đã thành công, còn tổng sản lượng, lợi nhuận được bao nhiêu thì phải còn chờ đến khi thu hoạch dứt điểm, cộng lại mình mới biết được. Nếu tới lúc đó mà tôm cỡ lớn tăng giá nữa thì coi như thắng lớn”.
Trao đổi với chúng tôi về thành công của mô hình ao đáy lưới, bạt bờ, anh Phan Quốc Việt, Giám đốc Kinh doanh phụ trách khu vực tỉnh Sóc Trăng của C.P cho biết, tỷ lệ thành công của mô hình này từ đầu năm đến nay là khá cao, trên 90%, cá biệt nhiều khu vực tỷ lệ thành công đạt gần 100%. Anh Việt chia sẻ thêm: “Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục kết hợp cùng đại lý, khách hàng nuôi tôm mở rộng mô hình để đồng hành cùng người nuôi tôm nâng cấp các ao đất nuôi theo kiểu truyền thống sang ao đất nhưng đáy có lót lưới và phía trên lót bạt bờ. Chi phí chuyển đổi là không quá lớn, nhưng sự thành công thì khá cao, lại dễ vận hành nên những hộ nuôi quy mô nhỏ vẫn có thể thực hiện được mà không quá lo lắng về chi phí đầu tư cũng như kỹ thuật”.
Xuân Trường
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn