“Hãy là những người nuôi tôm thông thái”

0

Đó là ý kiến của ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, tại Phiên hội thảo “Đối thoại về ngành tôm ít phát thải và bền vững theo kinh tế tuần hoàn”.

Trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam năm 2024 (VietShrimp 2024), chiều 20/03 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau diễn ra phiên hội thảo thứ hai với chủ đề: Đối thoại về ngành tôm ít phát thải và bền vững theo kinh tế tuần hoàn. Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản chủ trì đối thoại.

Gần 10 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trình bày trong hội thảo tiếp tục xoay quanh các vấn đề tìm giải pháp để ngành tôm ít phát thải, bền vững theo kinh tế tuần hoàn. Hoạt động nuôi trồng thủy sản hiện nay đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần đảm bảo nguồn cung thực phẩm và góp phần vào kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm không chỉ chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu mà còn gây phát thải khí nhà kính.

hoi-thao-1-1

Trong bối cảnh hiện nay, ngành tôm ở Việt Nam gặp rất nhiều thách thức như: Giá thành sản xuất cao hơn Ecuador và Ấn Độ, tỷ lệ thành công thấp, chi phí đầu vào cao, chất lượng tôm giống không cao, ĐBSCL ô nhiễm, hệ thống thủy lợi kém, dịch bệnh ngày càng nhiều,…Để giảm giá thành tôm nuôi, TS Nguyễn Duy Hòa, Giám đốc kỹ thuật toàn cầu Ngành hàng Empyreal & MOTIV, Tập đoàn Cargill cho rằng cần tập trung vào các giải pháp về con giống, ô nhiễm, giảm giá mua thức ăn, vật tư, thuốc, quản lý dịch bệnh tăng tỉ lệ sống và tỉ lệ thành công.

Liên quan đến vấn đề kiểm soát dịch bệnh trên tôm, TS Nguyễn Tấn Sỹ, Phó Viện trưởng Viện nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Nha Trang đã giới thiệu phương pháp kiểm soát bệnh do vi khuẩn ở tôm không dùng kháng sinh. Bệnh do vi khuẩn không nguy hiểm bằng bệnh do virus, nhưng hàng năm vẫn gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho ngành tôm. Các loại bệnh do vi khuẩn nguy hiểm hiện nay bao gồm bệnh EMS (AHPND), bệnh TPD (Translucent Post-Larva Disease). Được biết, cách đây không lâu, các nhà khoa học của Viện đã thử nghiệm bổ sung Microbial protein vào thức ăn, kết quả tiến triển tốt khi sản phẩm này đã góp phần tăng cường khả năng miễn dịch của tôm thông qua việc tăng số lượng tế bào máu, tăng hàm lượng PO và Lysozyme.

hoi-thao-2-1

Muốn đánh thắng dịch bệnh thì chúng ta phải hiểu rành rọt về dịch bệnh, cần có bộ sưu tầm chủng giống, kiểm soát tốt thức ăn, môi trường. Dưới góc độ của các nhà khoa học, một đại diện đến từ Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng việc công bố về dịch bệnh trên thủy sản hiện nay còn yếu, chính sách hỗ trợ cho người nghiên cứu về dịch bệnh còn yếu. Do đó, nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ các nhà nghiên cứu về dịch bệnh mới phát hiện. Nếu con giống mà không sạch mầm bệnh thì không đạt được năng suất như kỳ vọng.

Từ những thảo luận sôi nổi từ các diễn giả, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng để nâng cao giá trị trong ngành thủy sản, cần hạn chế sử dụng kháng sinh, tạo đà tăng trưởng cho con tôm, hãy là những người nuôi thông thái. Do vậy, để đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp phát triển ngành tôm bền vững thì cần có sự hướng dẫn, thảo luận kỹ càng. Mỗi doanh nghiệp khi đưa sản phẩm đến tay người dân thực hiện thì cũng cần giúp họ ứng dụng kỹ thuật phù hợp, qua đó góp phần đạt năng suất như kỳ vọng.

Thùy Khánh

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.