Hài hòa nuôi biển và du lịch, đôi bên cùng lợi

0

‘Không phải chỗ nào cũng có thể kết hợp được nuôi biển và du lịch, tuy nhiên nơi nào làm được thì chúng ta nên làm’, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nói.

Đảng và Nhà nước thời gian qua rất quan tâm đến vấn đề nuôi biển, chủ trương là giảm khai thác, tăng nuôi trồng, trong đó tập trung vào nuôi biển vì nuôi thủy sản nội địa đã ở mức trần.

Nuôi biển đã được đưa vào Luật Thủy sản năm 2017 và các nghị định hướng dẫn. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1664/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 208/QĐ-TTg phê duyệt Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.

Hài Hòa Nuôi Biển Và Du Lịch, Đôi Bên Cùng Lợi 1

Nuôi biển đã trở thành một định hướng chiến lược quốc gia. Ảnh: Duy Học.

Với tiềm năng khai thác biển từ 3,9 – 4 triệu tấn thì chúng ta đã khai thác đạt 3,6 triệu tấn, đã đến gần sát ngưỡng nên việc giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển) là hướng đi được ngành thủy sản coi là một giải pháp giúp cân bằng giữa nhu cầu của con người với bảo tồn, bảo vệ phát triển nguồn lợi biển.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam nói: “Nước ta biển thì rộng, diện tích thì lớn, tiềm năng nuôi biển rất giàu, theo đó cơ hội rất lớn, nhưng cũng lắm thách thức. Chủ trương phát triển nuôi biển có từ sớm bởi đây là một phương thức tốt để giảm sức ép đến nguồn lợi biển khi việc khai thác thủy sản ở nhiều khu vực đã đạt đến ngưỡng và cần phải có những giải pháp thay thế về lâu dài. Nuôi biển đã trở thành một định hướng chiến lược quốc gia”.

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã và đang chú trọng phát triển những mô hình nuôi trồng thủy sản mang tính cộng đồng rất hiệu quả như trồng rong, rong câu, rong sụn hay các mô hình nuôi thủy sản cộng đồng tại Phú Yên, Bình Định, Cà Mau, Kiên Giang… Những mô hình này phát triển theo phương thức đồng quản lý, vừa quản lý khai thác ven bờ, vừa chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân, giúp các hoạt động khai thác tận diệt ven bờ được giảm thiểu.

Đặc biệt, các mô hình phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với nuôi biển đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, khuyến khích phát triển nuôi biển.

TS. Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, tiềm năng kết hợp giữa phát triển nuôi biển với du lịch rất lớn nhưng để làm tốt điều này có 3 vấn đề cần phải quan tâm. Đầu tiên, phải phát triển được vùng nuôi xanh, sạch, đẹp. Tiếp đó, phải xây dựng được một câu chuyện để thu hút khách du lịch, đến đây người ta sẽ được nghe kể gì, học hỏi nuôi biển như thế nào. Đây là vấn đề không hề đơn giản. Hơn nữa, người chủ sở hữu còn phải được đào tạo về du lịch, tạo nên tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực này.

Hài Hòa Nuôi Biển Và Du Lịch, Đôi Bên Cùng Lợi

Trang trại nuôi biển kết hợp trải nghiệm của STP Group tại đảo Phất Cờ, Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: Duy Học.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, không phải chỗ nào cũng có thể kết hợp được nuôi trồng thủy sản và du lịch, tuy nhiên nơi nào làm được thì chúng ta nên làm. Tuy nhiên để có du lịch biển – ven biển chất lượng cao thì yêu cầu đầu đầu tiên là phải sạch. Không ai bỏ tiền để đến ngắm xem và trải nghiệm những chỗ nhếch nhác, bẩn thỉu. Có trót bỏ tiền cũng chỉ đến một lần thôi. Thứ hai mô hình này phải là một điểm “check-in” được cho du khách. Thứ ba phải có câu chuyện riêng và có chương trình sáng tạo, hấp dẫn, gắn với nghề cá giải trí…

Nuôi biển gắn với du lịch sẽ phát huy được nét đẹp tự nhiên và gia tăng giá trị cho người dân. Tuy nhiên để phát triển hài hòa lợi ích, tránh xung đột, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, công cụ để xử lý hài hòa những lợi ích đó là dựa trên nguyên tắc phải có cơ chế phối hợp trong hành động. Đồng thời quy hoạch phải liên ngành và được thảo luận kỹ càng để các bên liên quan đều thỏa mãn.

“Việc phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch phải có chương trình sáng tạo, hấp dẫn. Làm được như vậy sẽ giảm được xung đột, phát triển đa lợi ích, đôi bên cùng có lợi”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi khẳng định.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam

Leave A Reply

Your email address will not be published.