Hà Tĩnh: Người nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh thu hoạch sớm, gia cố ao, lồng ứng phó mưa bão

0

Gần 4.100 ha nuôi trồng thủy sản và hơn 200 lồng, bè tại Hà Tĩnh đang được người dân triển khai các biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ thiệt hại do bão, lũ gây ra.

Trước diễn biến mới của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, người nuôi trồng thủy sản tại TP Hà Tĩnh đã chủ động các phương án ứng phó. Anh Trương Thế Cương (thôn Tiến Hưng, xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh) đang nuôi trồng thủy sản xen ghép trên diện tích 1ha, dự kiến tôm sú sẽ cho năng suất 1,4 tấn/ha; cá đối mục năng suất 1,8 tấn/ha; cua biển năng suất gần 500 kg.

Anh Trương Thế Cương thu tỉa tôm sú đạt kích cỡ thương phẩm.

Anh Trương Thế Cương thu tỉa tôm sú đạt kích cỡ thương phẩm.

Anh Cương cho biết: “Công sức nuôi trồng, chăm sóc cả mấy tháng trời trông vào đây cả nên trước diễn biến mới của mưa bão, tôi đã phải thu tỉa để bán bớt số lượng tôm sú đạt kích cỡ thương phẩm từ 50 – 60 con/kg. Đồng thời, gia cố ao nuôi, kiểm tra hệ thống kênh thoát nước, dùng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp bao quanh ao nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra”.

Cũng như anh Cương, anh Văn Duy (thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) đã chủ động kiểm tra lại hệ thống điện, máy phát, khơi thông hệ thống thoát nước, đặt ống xả tràn, chuẩn bị nguồn nước sạch để thay nước ao nuôi tôm khi cần thiết. Các vật tư quan trọng như vôi bột, khoáng chất, men vi sinh… cũng được bổ sung vào kho để phục vụ xử lý môi trường.

Các hộ nuôi tôm sẵn sàng vật tư như men vi sinh, vôi, khoáng… để chăm sóc tôm trong thời điểm xảy ra mưa lớn.

Các hộ nuôi tôm sẵn sàng vật tư như men vi sinh, vôi, khoáng… để chăm sóc tôm trong thời điểm xảy ra mưa lớn.

Anh Văn Duy cho biết: “Với 2ha tôm nuôi đã đạt kích cỡ 90 con/kg nên tôi rất lo lắng. Đợt này dự báo sẽ xuất hiện mưa lớn làm thay đổi các yếu tố môi trường nuôi theo chiều hướng xấu. Sự thay đổi này làm tôm nuôi giảm sức đề kháng và mẫn cảm hơn với các tác nhân gây bệnh sẵn có trong nước như: vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, từ đó dễ dẫn đến dịch bệnh và giảm hiệu quả nuôi tôm”.

Cũng theo anh Duy, độ mặn của nước trong ao nuôi sẽ biến động rất mạnh khi xảy ra mưa bão. Để hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi tôm, người nuôi phải có kế hoạch điều tiết nước. Trước khi mưa to cần lấy nước có độ mặn thích hợp vào ao để mực nước trong ao cao nhất. Sau mưa, cần nhanh chóng rút bớt nước ở tầng mặt của ao bằng cách tháo các cửa cống thoát. Đối với các vùng nuôi đất bị chua phèn thì rắc vôi quanh bờ ao trước khi mưa phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi.

Người nuôi cá lồng bè tại huyện Thạch Hà, huyện Kỳ Anh… gia cố, giằng néo lồng bè trước thông tin mưa, bão.

Người nuôi cá lồng bè tại huyện Thạch Hà, huyện Kỳ Anh… gia cố, giằng néo lồng bè trước thông tin mưa, bão.

Tại huyện Kỳ Anh, người nuôi trồng thủy sản trên sông đã khẩn trương đưa lồng bè vào gần bờ, khu vực kín gió, giằng néo để tránh trường hợp mưa lớn làm nước dâng lên cao kéo lồng trôi sông.

Ông Phạm Hùng Anh (thôn Hoa Trung, xã Kỳ Hoa, Kỳ Anh) chia sẻ: “Tôi đang thả nuôi cá lăng, cá rô phi tại khu vực đập dâng Sông Trí với sản lượng ước tính đạt 18 tấn nên gia đình rất lo lắng trước diễn biến bất lợi của thời tiết. Chúng tôi đã gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng, vệ sinh lồng bè thông thoáng, xây dựng phương án di dời lồng bè vào khu vực kín gió, an toàn, có dòng chảy phù hợp khi cần thiết. Trường hợp không di chuyển được, chúng tôi có thể thực hiện phương án che chắn mặt lồng, bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài”.

Người nuôi các đối tượng nhạy cảm với thời tiết như tôm, cá… cần đặc biệt lưu ý kiểm tra môi trường sau mưa lớn để phòng chống dịch bệnh.

Người nuôi các đối tượng nhạy cảm với thời tiết như tôm, cá… cần đặc biệt lưu ý kiểm tra môi trường sau mưa lớn để phòng chống dịch bệnh.

Được biết, tại khu vực đập dâng Sông Trí có 3 hộ tham gia nuôi cá lồng với sản lượng trung bình đạt 5,91 tấn cá/100m3 lồng nuôi. Ông Nguyễn Mạnh Tấn – Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa (Kỳ Anh) cho biết: “Sản lượng cá tại các hộ nuôi đang đạt khoảng hơn 40 tấn. Mưa lớn có thể gây nguy cơ sốc nước với số cá này. Chính quyền địa phương đã liên tục có thông báo về các biện pháp chủ động phòng chống bão, lũ. Đồng thời, hướng dẫn người nuôi cần có phương án thu hoạch sớm một số thủy sản nuôi ở các lồng đã đạt kích cỡ thương phẩm để tránh thất thoát khi có mưa, bão xảy ra”.

Thông tin từ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, hiện nay, tổng diện tích thủy sản đang nuôi (tôm, cá, nhuyễn thể…) khoảng 4.011 ha, sản lượng chưa thu hoạch ước khoảng 4.354 tấn. Ngoài ra, toàn tỉnh đang có 77.399m3 với 238 hộ nuôi lồng, bè. Trong đó, 196 lồng nuôi cá (29.099m3), nuôi bè (nuôi hàu) đạt 48.300m3; sản lượng chưa thu hoạch khoảng khoảng 196 tấn.

Theo dự báo từ chiều tối ngày 18/9 đến ngày 21/9, khu vực Hà Tĩnh xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến 100-300mm, có nơi trên 500mm. Vì thế, theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, người nuôi trồng thuỷ sản cần chủ động các biện pháp phòng, chống với mưa lớn, bão, lũ, nhất là với những vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét.

Cụ thể là giằng néo lồng bè, đưa lồng bè vào nơi an toàn; tăng cường gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát sản phẩm, nhất là khu vực nuôi tôm trên cát (khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão từ biển đổ vào); chú trọng áp dụng các biện pháp chăm sóc theo hướng dẫn kỹ thuật của chuyên môn trước, trong và sau mưa, bão; chú ý kiểm tra sức khỏe của các đối tượng nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời…

Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Leave A Reply

Your email address will not be published.