Những ngày qua, mưa lớn khiến nhiều diện tích nuôi tôm ở Hà Tĩnh bị ảnh hưởng, nguy cơ dịch bệnh xảy ra trên tôm là rất lớn. Hiện, ngành chức năng địa phương khuyến cáo người nuôi trên địa bàn tỉnh tập trung áp dụng những biện pháp phòng, chống dịch bệnh để hạn chế thiệt hại.
Được biết, thời điểm này, ở Hà Tĩnh đang có gần 750 ha nuôi tôm với hơn 540 tấn chưa thu hoạch. Để bảo vệ tôm và các loại thủy sản nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh đã liên tục thông tin, đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn tập trung áp dụng những biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Nhiều ao nuôi phải dừng hoạt động do tôm chết nhiều sau mưa lớn kéo dài. Ảnh: BHT
Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy – Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Các đợt mưa lớn làm biến động các chỉ số môi trường nước, nguy cơ phát sinh một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên tôm như hồng thân, phân trắng, gan ruột,… rất cao. Do đó, các hộ nuôi cần tăng cường các biện pháp ổn định nhiệt độ và cải thiện môi trường nước ao nuôi; theo dõi chặt chẽ mức độ sử dụng thức ăn để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, tránh dư thừa gây ô nhiễm môi trường ao nuôi. Tăng sức đề kháng cho thủy sản bằng việc bổ sung Vitamin C với liều lượng 3 – 6 g/kg thức ăn. Chủ động thu mẫu tôm, nước định kỳ xét nghiệm một số bệnh nguy hiểm, nhất là vi khuẩn Vibrio tổng số trong mẫu nước để có biện pháp xử lý khi mật độ vi khuẩn vượt quá giới hạn cho phép; giám sát chủ động các bệnh nguy hiểm thường gặp; thông tin kịp thời cho chính quyền và cơ quan thú y khi phát hiện tôm chết, bị dịch bệnh, thực hiện kịp thời các biện pháp bao vây, xử lý dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn”.
Ngoài ra, đối với những ao nuôi có tôm bị chết, người nuôi phải vệ sinh lại ao hồ, xử lý nước bằng các loại hóa chất diệt khuẩn được phép của Bộ NN&PTNT; không rút nước khỏi ao và ao chứa nước thải làm lây lan dịch bệnh cho các vùng nuôi khác.
Thanh Hiếu
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn