Hà Nam: Nuôi trồng thủy sản vùng bãi ven sông ầu tư lớn, rủi ro cao

0

Tỉnh ta có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 5.500 ha, là một trong những mũi nhọn của sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Thời gian qua, sản xuất thủy sản có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng thâm canh, chuyên canh. Các khu nuôi trồng thủy sản có hướng đầu tư nhiều tại những vùng bãi ven sông có lợi thế về diện tích và nguồn nước. Tuy nhiên, sản xuất phía ngoài sông vốn được ví như “sản xuất nơi đầu sóng, ngọn gió” luôn tiềm ẩn những rủi ro cao bởi tác động của môi trường, thiên tai.

Tìm hiểu thực tế cho thấy, hiện nay có nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản quy mô tập trung nằm ở ngoài đê của các tuyến sông lớn qua địa bàn. Tại xã Thanh Hải (Thanh Liêm) xây dựng khu nuôi trồng thủy sản tập trung ở vùng ven sông Đáy có diện tích 56 ha. Đây vốn là vùng đất ruộng trũng trước đây chỉ cấy được vụ lúa xuân, vụ mùa luôn bị ngập nước. Địa phương đã thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nuôi trồng thủy sản Trung Hiếu Hạ liên kết, tổ chức sản xuất giữa các hộ trong khu sản xuất tập trung.

Ông Trần Minh Quyền, Giám đốc HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Trung Hiếu Hạ cho biết: Để thực hiện nuôi trồng thủy sản từ ruộng trũng ngoài vùng bãi ven sông cần đầu tư, cải tạo lớn. Quá trình sản xuất, người nuôi luôn phải chú trọng từ con giống đến thức ăn và áp dụng công nghệ… giúp bảo đảm giá trị, hiệu quả. Diện tích thủy sản nuôi trồng tại địa phương tăng gấp khoảng 5 – 7 lần cấy lúa trước đây. Do nằm giáp với sông Đáy, HTX luôn chỉ đạo các thành viên thường xuyên có biện pháp sẵn sàng ứng phó khi lũ lên cao.

lồng nuôi cá

Chủ hộ chăn nuôi chằng chống bảo vệ lồng nuôi cá ven sông Hồng tại xã Chuyên Ngoại (Duy Tiên).

Cũng như vùng ven sông Đáy, diện tích nuôi trồng thủy sản vùng ngoài đê sông Hồng đang trở thành thế mạnh với trên 700 ha thuộc địa bàn thị xã Duy Tiên và huyện Lý Nhân. Việc nuôi trồng thủy sản ở đây đều được người dân áp dụng theo hướng thâm canh, chuyên canh. Ngoài ra, khu vực ngoài sông được một số địa phương khai thác nuôi cá lồng với tổng số trên 500 lồng cá. Nhiều giống cá có giá trị kinh tế cao được đưa vào nuôi ở các ao, đầm và lồng bè, như: trắm đen, chép koi, chuối hoa, lăng, chép lai, diêu hồng… Xã Trần Hưng Đạo (Lý Nhân) có hàng chục ha diện tích mặt nước nuôi cá ngoài đê sông Hồng. Chỉ riêng khu đầm của Công ty cổ phần nông nghiệp Nam Sông Hồng có 20 ha. Tại diện tích này, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng 4 bể nuôi theo công nghệ “sông trong ao” để phát triển nuôi các loại cá có giá trị cao. Diện tích còn lại hơn 15 ha được nuôi toàn bộ cá trắm đen theo hướng chuyên canh. Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nuôi trồng thủy sản trên vùng bãi ven sông và nuôi cá lồng trên sông cần đầu tư lớn. Bù lại, do có nhiều lợi thế nên năng suất, sản lượng cá cao gấp từ 2 – 3 lần nuôi trong đồng. Tuy nhiên, đi cùng với hiệu quả, rủi ro cho sản xuất ở khu vực này cũng rất lớn.

Thực tế cho thấy, nuôi trồng thủy sản tại vùng ngoài đê ven các sông lớn đã bị thiệt hại rất nhiều do thiên tai gây ra. Khu nuôi trồng thủy sản của HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Trung Hiếu Hạ hoạt động được 14 năm, đã có 2 lần lũ lớn (năm 2017 và 2024) gây ngập sâu toàn bộ diện tích dẫn đến thiệt hại nặng. Tại vùng ven sông Hồng cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ khi có lũ, bão. Đơn cử như năm 2016 do tác động của trận bão đổ bộ vào khu vực miền Bắc đã làm khu lồng nuôi tại xã Trần Hưng Đạo bị sóng và gió lớn lật lên bờ làm mất toàn bộ cá, lồng nuôi bị hư hỏng. Đến năm 2017, một hộ nuôi cá lồng của xã Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên) bị nước lũ làm đứt dây neo trôi lồng, gây rách lưới quây lồng nuôi. Đặc biệt, đợt lũ trên sông Hồng vượt báo động 3 vừa qua đã gây ngập phần lớn diện tích nuôi thủy sản ngoài bãi. Theo ước tính, những diện tích ngập đều thiệt hại 50 – 70% lượng cá. Cùng với đó, trên 400 lồng nuôi cá dọc sông Hồng bị ảnh hưởng nặng do lồng trôi, rách lưới, cá chết… thiệt hại khoảng 196,3 tỷ đồng. Theo các hộ nuôi thủy sản vùng ngoài sông, việc phòng, chống cho diện tích nuôi thủy sản vùng bãi khi lũ lên bất thường rất khó khăn. Biện pháp thông thường là giăng lưới chắn khi nước tràn bờ không có tác dụng khi nước ngập cao 1 – 2 m.

Dư địa phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, hàng hóa trên vùng bãi ven các sông lớn trong tỉnh vẫn còn nhiều. Đây là hướng đi mà các địa phương trong vùng đang lựa chọn. Vấn đề chính đặt ra là cần có giải pháp hạn chế được khó khăn, rủi ro của thiên tai. Do vậy, các địa phương đặc biệt quan tâm xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó với sự cố bất thường, hỗ trợ người dân trong nuôi trồng thủy sản. Về phía các chủ đầm, ao, cần chủ động hơn trong việc phòng chống thiên tai, có giải pháp nhanh chóng ổn định, khôi phục lại sản xuất ngay sau ngập úng. Qua đó góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra trong nuôi trồng thủy sản vùng ngoài đê

Mạnh Hùng

Nguồn: Báo Hà Nam

Leave A Reply

Your email address will not be published.