Gỡ thẻ vàng IUU: 1 tháng quyết định hành động 6 năm

0

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan mong muốn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng nỗ lực, giải quyết các tồn đọng để Việt Nam có thể gỡ thẻ vàng của EC trong năm nay.

Sáng 8/4, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về công tác kiểm soát chống khai thác IUU của tỉnh. Cuộc khảo sát, kiểm tra thực tế của đoàn Bộ NN-PTNT trong bối cảnh Việt Nam sắp tiếp đón đoàn công tác EC đến kiểm tra và kỳ vọng sẽ rút thẻ vàng IUU.

Quyết liệt nhưng còn nhiều việc phải làm

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết, thời gian qua tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành và các lực lượng chấp pháp trên biển theo dõi, xử lý thông tin tàu cá mất kết nối, vượt ranh giới trên biển.

Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài được kiểm soát. Từ tháng 8/2022 đến nay, tỉnh chưa có tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ. Ngoài ra, tỉnh cũng đã hoàn thành rà soát toàn bộ số lượng tàu cá đã đăng ký, cập nhật 100% vào cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia.

“Đến nay tỉnh đã khắc phục, xử lý hai tồn tại hạn chế mà đoàn thanh tra EC đã chỉ ra trong lần thanh tra thứ 4 tháng 10/2023. Đó là xử phạt chủ tàu cá không có giấy phép khai thác, mất kết nối giám sát hành trình vẫn hoạt động trên biển với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng và xử phạt 8 tàu cá không rõ số đăng ký ở cảng Phước Hiệp, huyện Long Điền”, ông Vinh báo cáo.

Riêng với đội ngũ tàu cá “3 không”, UBND tỉnh đã rà soát, thống kê, thống nhất hiện toàn tỉnh có 1.081 tàu và đã cho các ban ngành, địa phương cấp, vẽ số tạm để quản lý. Tính đến ngày 31/3, tổng số tàu cá “3 không” đã được cấp, vẽ số tạm là 595 tàu, đạt 55%. Số còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 4 này.

Mặc dù có những chuyển biến tích cực so với trước đây nhưng ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, thừa nhận, đến nay Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn một số tồn tại. Điều này cũng được đoàn công tác Bộ NN-PTNT chỉ ra tại cuộc họp.

Cụ thể, số lượng tàu cá cập cảng chỉ định và tỷ lệ giám sát sản lượng hải sản qua cảng mới chỉ đạt 25%. Công tác truy xuất nguồn gốc sẽ không được bảo đảm bởi việc ghi nhật ký khai thác của ngư dân chưa chính xác, còn ghi hồi ký và chưa ghi tên loài cá.

Bên cạnh đó, công tác xử phạt các vi phạm mất kết nối giám sát hành trình còn chưa triệt để. Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, đề nghị tỉnh tiếp tục xác minh, điều tra để xử lý triệt để các trường hợp tàu mất kết nối giám sát hành trình trên 6 giờ mà không báo vị trí. Đặc biệt tàu cá từ 24m trở lên, xử phạt các tàu cá không đủ điều kiện mà vẫn tham gia hoạt động trên biển.

Theo đánh giá của ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, mặc dù lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo sát sao nhưng 6 tháng qua, việc thực hiện các yêu cầu về IUU của tỉnh vẫn chỉ đạt 6/10 điểm.

“Nguyên nhân là tỉ lệ xử phạt vi phạm hành chính còn thấp, việc truy xuất nguồn gốc cũng chưa đạt khi chưa quản lý được đội tàu cá cập cảng và sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng, nhật ký khai thác điện tử chưa có”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phân tích.

Trước nhiều việc còn ngổn ngang trong công tác gỡ thẻ vàng IUU, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh cần sớm khắc phục các hạn chế còn tồn tại, cùng cả nước gỡ thẻ vàng IUU, vì khả năng đoàn EC sẽ vào kiểm tra tỉnh trong lần thanh tra vào tháng 5/2024 tới là rất cao.

Cơ hội cuối cùng

“Đây là cơ hội cuối cùng để gỡ thẻ vàng IUU đối với ngành thủy sản Việt Nam. Hơn 1 tháng còn lại là thời điểm quyết định cho hành trình suốt hơn 6 năm dài bị thẻ vàng IUU siết chặt”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan liên tục nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương, các sở, ban ngành tăng cường công tác kiểm tra cũng như động viên ngư dân, cảng cá thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU. Tăng cường hành động trong tháng cao điểm tới, trong đó tăng cường tuyên truyền cho các ngư dân, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU, bám sát từng nhà các ngư dân này.

“Tôi đề nghị ngành thủy sản cả nước và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng hành động quyết liệt, không nương nhau, không đối phó”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp tục chia sẻ.

Bộ trưởng cũng mong muốn bà con ngư dân, doanh nghiệp cả nước hiểu được câu chuyện chống khai thác IUU để thực hiện tốt, không để các đối tượng xấu kích động đi đánh bắt vùng biển nước ngoài.

Nhiệm vụ chống khai thác IUU vừa thực hiện nhiệm vụ kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đây còn là nghĩa vụ với Tổ quốc trong giai đoạn cấp bách hiện nay để cùng cả nước gỡ thẻ vàng IUU.

Ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Cảng cá Cát Lở (TP Vũng Tàu), cho biết cảng chấp hành nghiêm việc kiểm tra tàu cá ra vào cảng và quản lý chặt sản lượng bốc dỡ qua cảng, truy xuất nguồn gốc. Các tàu cá thỏa mãn các điều kiện theo quy định mới cho xuất và cập bến. Tuy nhiên, mấy năm gần đây lượng tàu cập cảng và sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng ngày càng giảm.

Do đó, ông Hưng kiến nghị Bộ NN-PTNT triển khai công tác chống khai thác IUU đồng bộ ở các địa phương, để tránh tình trạng tàu cá vì né cảng cá này thực hiện nghiêm công tác IUU mà chạy sang cảng cá thực hiện lơi lỏng để cập cảng.

Ông Nguyễn Đình Ngọc (ngư dân tại phường 2, TP Vũng Tàu) cho biết, ngư dân là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi Việt Nam bị thẻ vàng của EC. Hầu hết ngư dân cũng nhận thức được việc thực hiện tốt chống khai thác IUU, điều này có lợi cho cho chính họ.

“Chúng tôi cũng kiến nghị các cơ quan chức năng xử phạt nghiêm các tàu cá vi phạm chống khai thác IUU, đừng để một con sâu làm rầu nồi canh. Mỗi ngày chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết nguồn lợi hải sản đang suy kiệt mức nào. Cứ như thế này, 10-20 năm sau chắc con cháu mình không còn gì để ăn”, ông Ngọc nói.

Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu sản phẩm thủy hải sản cũng là đối tượng chịu nhiều tác động của “thẻ vàng” EC. Thậm chí, dù không trực tiếp xuất sang châu Âu nhưng các đơn vị trung gian cũng xuất sang đây, họ cũng đòi hỏi nguồn gốc.

“Các thị trường khác ngoài châu Âu cũng đang có những yêu cầu giống với EC trong việc chứng minh nguồn gốc thủy hải sản, chứng nhận xanh. Do đó, để có thể xuất đi các nước, chúng tôi phải mua nguồn nguyên liệu với giá rất cao. Chấp hành đúng nguyên tắc của EC không còn của riêng ai nữa, chúng ta cần phải chung tay để gỡ khó cho tất cả”, ông Đào Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tứ Hải chia sẻ.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 90.000 tàu cá đánh bắt thủy sản trên biển. Đây là con số quá lớn so với các nước và quá dày so với vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị 28 tỉnh, thành giáp biển cần cơ cấu lại ngành theo hướng giảm dần đội tàu đánh cá, chuyển dần bà con ngư dân lên bờ làm ăn, sang làm các ngành nghề khác. Đây cũng là cơ hội để tỉnh nhìn lại chính mình, chuyển đổi tích cực.

“Nếu chúng ta làm tốt thì trong lần thanh tra sắp tới, EC sẽ lấy Việt Nam làm điển hình chuyển đổi tích cực trong việc chống khai thác IUU. Từ đó EC sẵn sàng hỗ trợ nguồn lực giúp Việt Nam xây dựng một nền kinh tế biển xanh, minh bạch, có trách nhiệm và bền vững”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin.

Lê Bình – Minh Sáng

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam

Leave A Reply

Your email address will not be published.