Kết quả xuất khẩu thủy sản năm 2023 mang về không mấy vui vẻ. Năm 2024, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), những khó khăn, thách thức vẫn còn đó và dự báo tiếp tục kéo dài, chí ít là trong 6 tháng đầu năm. Nhiều năm qua, ngành thủy sản luôn khởi sự với rất nhiều khó khăn. Để chu kỳ 365 ngày không rơi vào vòng luẩn quẩn như các năm, ngành thủy sản cần một cuộc tái cấu trúc để phục hồi trong năm 2024 và bứt phá ở những năm tiếp theo.
Phải tự đổi mới mình
Về các địa phương chuyên canh tôm, cá tra của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)-những mặt hàng thủy sản chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn của cả nước đều không khó nhận ra căng thẳng, mệt mỏi và cả những lo lắng trong từng ánh mắt, từng nếp nhăn trên gương mặt các bên liên quan trong chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản sau một năm chỉ toàn lao dốc. Báo cáo kết quả xuất khẩu thủy sản năm 2023 cho thấy giảm 17% so với năm 2022 và chỉ đạt 9 tỷ USD. Với kết quả này, thủy sản đã rời khỏi câu lạc bộ xuất khẩu trên chục tỷ USD, sau khi ghi danh lần đầu tiên vào năm 2022.
Công nhân thu hoạch tôm tại khu nuôi trồng của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng).
Tăng, giảm là điều không lạ trong bất kỳ cuộc đua xuất khẩu nào. Tuy nhiên, nhìn nhận tổng thể thì rõ ràng, cùng với tác động từ yếu tố khách quan, như: Lạm phát ở các nước lớn, xung đột Nga-Ukraine, giao tranh ở Trung Đông, các rào cản kỹ thuật từ các nước… thì những điểm nghẽn ngay ở nội tại chính là nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam thiếu bền vững.
Để giấc mơ thủy sản vươn xa, bền vững mà không phải là tâm trạng trông chờ “thoát hiểm cuối năm” như hiện tại, theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP, ngành thủy sản cần phải gỡ được thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC). Bởi việc bị cảnh báo thẻ vàng đã ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu hải sản của Việt Nam. “Trước khi bị cảnh báo thẻ vàng, giai đoạn 2015-2017 châu Âu từng là thị trường nhập khẩu hải sản nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 30-35% xuất khẩu hải sản của Việt Nam. Thế nhưng từ sau khi bị cảnh báo thẻ vàng, tỷ trọng xuất khẩu hải sản sang châu Âu giảm dần qua từng năm”, bà Hằng cho biết.
Bên cạnh tìm lại thị phần ở thị trường tiềm năng, gia tăng cạnh tranh đối với sản phẩm thủy sản cũng là điều mà các doanh nghiệp cần tính toán. Bà Nguyễn Thị Băng Tâm, chuyên viên Phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin: Indonesia đã nuôi và thu hoạch 0,6 triệu tấn cá tra/năm và đã xuất khẩu sang các nước Trung Đông, Nhật Bản, Myanmar… Trung Quốc và Bangladesh cũng bắt đầu nuôi cá tra. Cùng với cá tra, tôm Việt Nam cũng chịu sức cạnh tranh với các nước Ecuador và Ấn Độ về giá và nguồn cung. “Trong khi các nước bắt đầu xuất khẩu thủy sản, thì sản phẩm thủy sản của chúng ta còn khá đơn điệu. Để tăng sức cạnh tranh, doanh nghiệp cần giảm xuất thô, tập trung chế biến sâu, tạo ra nhiều sản phẩm mới chất lượng cao và phải tận dụng hết các nguyên liệu, phụ phẩm tôm, cá tra để chế biến nhiều sản phẩm đa dạng nhằm tăng giá trị cạnh tranh”, bà Nguyễn Thị Băng Tâm nói.
Đề xuất giải pháp tăng tính cạnh tranh cho thủy sản, nhiều chuyên gia cho rằng thủy sản Việt Nam có thế mạnh về công nghệ chế biến và thị trường tiêu thụ tốt. Vấn đề hiện nay của ngành là làm thế nào để tối ưu hóa giá thành sản xuất thông qua việc tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào của mô hình nuôi trồng hiện tại. Bởi thức ăn chiếm tỷ trọng 70-80% trong giá thành sản xuất đối với cá tra và chiếm hơn 50% giá thành đối với tôm. Chi phí đầu vào cao kéo theo giá thành chế biến cao, từ đó gây bất lợi về sức cạnh tranh giá bán trên thị trường thế giới. Ngoài ra các giải pháp phát triển đường dài như tăng dần tỷ lệ sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao để cải thiện năng suất; thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và con giống tại chỗ để giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu cũng là điều mà các cơ quan chuyên môn cần quan tâm, nghiên cứu.
Hướng đến mục tiêu xanh trong ngành thủy sản
Trong xu hướng phát triển, cùng với ăn ngon, người tiêu dùng còn ưu tiên lựa chọn sản phẩm bảo đảm nguồn gốc. Đặc biệt, vấn đề được cả thế giới quan tâm hiện nay là cân bằng phát thải. Tới đây, thị trường nhập khẩu sẽ đánh nhãn xanh, nhãn vàng, nhãn đỏ và thêm phúc lợi động vật thủy sản. Bên cạnh vấn đề an toàn thực phẩm thì đây sẽ là những thách thức mà ngành thủy sản Việt Nam sẽ phải đối mặt.
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, năm 2024, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường những giải pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng vật tư đầu vào (con giống, thuốc, thức ăn…); tập trung phát triển các đối tượng thủy sản địa phương, đặc sản; nhận diện lại trong chuỗi sản xuất thủy sản phát thải đến từ chỗ nào để có kế hoạch triển khai, thay đổi công nghệ, giảm phát thải. Lĩnh vực nuôi trồng phải đi theo chuỗi sản xuất, thức ăn, con giống, địa chỉ nuôi, an toàn sinh học, phòng bệnh… Nói một cách dễ hiểu, an toàn thực phẩm đi từ ao nuôi đến bàn ăn.
“Hiến kế” để đưa ngành thủy sản Việt Nam tăng trưởng bền vững trong năm 2024 và chặng đường sắp tới, ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng: Ngành thủy sản năm 2023 đã làm tốt nhất có thể trong điều kiện hiện nay. Năm 2023 chỉ có 63 lô hàng thủy sản bị cảnh báo, giảm mạnh so với 136 lô năm 2022. Tuy nhiên, tình hình nhiễm dư lượng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản vẫn phải quan tâm bởi chưa có sự cải thiện tích cực. Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản là hai thị trường cảnh báo mạnh nhất.
“Ngành thủy sản năm 2024 và thời gian tới cần phải quan tâm nhiều hơn đến các loại rào cản thế hệ mới như: Giảm phát thải, công bằng thương mại, phúc lợi động vật, bảo vệ môi trường… Theo đó, cần phải chuẩn bị tâm thế ngay từ bây giờ, phải xây dựng hệ thống pháp luật tương thích, mạnh tay xử lý vi phạm đối với nuôi trồng; với khai thác thủy sản, cần phải số hóa dữ liệu, phải đưa công nghệ, phần mềm vào tập trung giải quyết 3 vấn đề cơ bản là quản lý, giám sát đội tàu; truy xuất nguồn gốc; xử phạt (nếu có)”, ông Lê Bá Anh nhấn mạnh.
Trong Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra mục tiêu “phát triển chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030”.
Bước chuyển mình của ngành thủy sản thời gian qua đã nhìn thấy rõ. Song thời gian tới, để hiện thực hóa mục tiêu lọt vào tốp 5 nước chế biến xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới, “chìa khóa” là sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng và sự hỗ trợ từ Nhà nước. Các bên liên quan cần bắt tay liên kết để chuyển đổi ngành thủy sản từ tập trung vào số lượng sang chất lượng và giá trị; hướng tới ngành thủy sản xanh là yêu cầu bắt buộc và không thể đảo ngược lại với xu thế của thế giới. Đây là yếu tố quyết định không chỉ giúp tăng giá trị cho các sản phẩm mà còn là cơ hội để Việt Nam chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.
THÚY AN
Nguồn: Quân đội nhân dân