Sáng ngày 14.6, UBND huyện Tuy Phước tổ chức họp bàn các giải pháp khắc phục những tồn tại, khó khăn trong đăng ký tàu thuyền và cấp giấy chứng nhận nuôi thủy sản chủ lực trên địa bàn huyện.
Tham dự cuộc họp có Ông Nguyễn Ngọc Xuân, PCT UBND huyện Tuy Phước, lãnh đạo Chi cục Thủy sản ( Sở NN&PTNT) đại diện Trạm Kiểm soát Biên Phòng Phước Sơn và các Phòng ban của huyện cùng lãnh đạo UBND và cán bộ phụ trách thủy sản các xã Phước Sơn, Phước Thắng, Phước Thuận, Phước Hòa.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Ái Trinh
Theo Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có 5.305 tàu cá có chiều dài từ 06 mét trở lên được cấp đăng ký tàu cá theo quy định (vùng ven bờ: 1.222 chiếc, vùng lộng: 845 chiếc, vùng khơi: 3.238 chiếc). Tuy nhiên, qua rà soát thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn 1066 tàu chưa đăng ký, trong đó, tàu cá có chiều dài từ 06 mét đến dưới 12 mét: 1.003 tàu, từ 12 mét đến dưới 15 mét: 61 tàu, trên 15 mét: 02 tàu. Thời gian qua, Chi cục Thủy sản phối hợp với UBND các xã, phường ven biển đã thực hiện thủ tục kiểm tra, cấp đăng ký tàu cá đối với 597/1.066 tàu, đạt tỷ lệ 56%. Đồng thời đã rà soát và xóa đăng ký 403 tàu cá do mua bán, sang tên, chìm đắm, hư hỏng, giải bản,..
Riêng huyện Tuy Phước, có 818 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m trở lên, trong đó 417 tàu cá có đăng ký, 401 tàu cá 3 không ( không đăng ký, không đăng kiểm và không có giấy phép khai thác thủy sản). Tuy nhiên đối với 417 tàu đăng ký thì toàn bộ đã hết hạn giấy phép khai thác thủy sản. Có 106 cơ sở đã được cấp giấy xác nhận tượng thủy sản nuôi chủ lực /598 hộ nuôi trồng thủy sản ở Tuy Phước, chỉ chiếm tỉ lệ gần 18%.
Tại cuộc họp lãnh đạo UBND 4 xã đã báo một số khó khăn vướng mắc trong đăng ký tàu cá và cấp giấy chứng nhận đối tượng nuôi thủy sản chủ lực trên địa bàn . Những tàu trên được người dân tự đóng mới mà không xin chấp thuận; mua bán nhưng không thực hiện thủ tục chuyển hồ sơ theo quy định pháp luật dẫn đến tình trạng tàu không có hồ sơ gốc; tàu không đáp ứng điều kiện, tiêu chí quy định (vỏ tàu, máy tàu, nghề khai thác…).
Quản lý tàu cá, cần hiệu quả, đảm bảo đúng qui định, tuyên truyên vận động để đăng ký đến 30.6. Ảnh: Ái Trinh
Để gỡ khó cho những vấn đề trên, ông Trần Văn Vinh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản đã thông tin một số nội dung mới của Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15.11.2018 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá, ban hành ngày 6.5.2024.
Trong đó qui định hồ sơ đăng ký tàu cá bao gồm tờ khai đăng ký phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi chủ tàu đăng ký hộ khẩu thường trú; bản sao chụp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu cá; bản chính Thông báo nộp lệ phí trước bạ của tàu và ảnh màu (9 cm x 12 cm) chụp toàn tàu theo hướng 2 bên mạn tàu. Thủ tục này khá đơn giản so với trước đây giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc hiện tại của đối với các tàu cá phát sinh trên địa bàn tỉnh. Hạn tiếp nhận đăng ký tàu cá theo qui định tại Thông tư là đến hết ngày 31.12.2024.
Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 04/4/2024 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản (có hiệu lực kể từ ngày 19/5/2024), trong đó qui định đối tượng thuộc diện cấp giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực là các tổ chức/cá nhân nuôi trồng thủy sản nằm trong quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về phát triển nuôi trồng thủy sản tại địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và quy định khác có liên quan. Hồ sơ đăng ký đơn giản gồm đơn đăng ký và sơ đồ mặt bằng vị trí ao/lồng nuôi có xác nhận của chủ cơ sở.
Cấp giấy chứng nhận đối tượng nuôi thủy sản chủ lực trên địa bàn
Tại cuộc họp, Ông Nguyễn Ngọc Xuân, PCT UBND huyện Tuy Phước đã chỉ đạo và quán triệt UBND 4 xã ven đầm Thị Nại, từ nay đến hết 30.6 rà soát lần cuối và gửi danh sách tàu cá từ trước giờ chưa đăng ký về tỉnh để quản lý, sau đó tiến hành làm hồ sơ để đăng ký cho tàu cá địa phương hoạt động theo qui định. Đối với trường hợp hết hạn GPKTTS thì tăng cường tuyên truyền vận động chủ tàu đăng ký cấp phép khai thác thủy sản đối với các nghề được phép hoạt động theo qui định của pháp luật. Quản lý tàu cá, cần hiệu quả, đảm bảo đúng qui định, tuyên truyên vận động để đăng ký đến 30.6 tàu nào không đăng ký thì báo cáo UBND huyện để có biện pháp giải quyết. Đối với việc hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản chủ lực cần rà soát kiểm tra lại nuôi bán thâm canh, quản canh cải tiến, mới cấp đối tượng nuôi thủy sản chủ lực và hướng dẫn bà con lập hồ sơ đăng ký theo qui định.
Ái Trinh
Nguồn: Tép Bạc