Giải mã thị trường tôm châu Âu

0

Châu Âu với gần 30 quốc gia đang tiêu thụ 11 loài tôm không phải là thị trường tôm lớn nhất toàn cầu bởi thị phần chỉ 11%. Tuy nhiên, đây là khối thị trường đa dạng về thị hiếu và nhu cầu tiêu thụ tôm.

TTCT “át” tôm sú và tôm đỏ

Khoảng 30% tôm tiêu thụ ở châu Âu có nguồn gốc nội địa và 70% xuất xứ nhập khẩu. 60% trong số này là các sản phẩm tôm nuôi. Hiện, TTCT đang là sản phẩm “phủ sóng” toàn thị trường tôm châu Âu mặc dù dòng chảy thương mại của sản phẩm này từng bị gián đoạn đợt COVID-19. Nhu cầu tiêu thụ tôm tại châu Âu cũng suy yếu trong năm 2022, cộng với lượng tồn kho lớn, tổng nguồn cung tôm trên thị trường năm 2023, do đó, giảm 10%, chỉ còn dưới 450.000 tấn.

Tôm đỏ Argentina được đánh giá cao về chất lượng, đặc biệt là tôm nguyên con (HOSO). Tuy nhiên, tôm đỏ cũng phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm tôm khác tại châu Âu, đặc biệt TTCT giá rẻ hơn. Một số hãng kinh doanh tôm tại châu Âu đã chế biến tôm đỏ Argentina ở nước thứ 3 để giảm chi phí và nâng cao cạnh tranh, nhờ đó mới có thể đứng vững tại thị trường Nam Âu và Tây Bắc Âu trong những năm qua. Nhìn chung, nhu cầu tiêu thụ tôm đỏ tại châu Âu giai đoạn 2022 – 2023 vẫn ổn định ở mức 80.000 tấn.

Trong thập kỷ qua, thị phần tôm sú tại châu Âu cũng suy giảm chủ yếu do đuối sức trước TTCT giá rẻ và hầu hết tôm sú đều không đáp ứng được các tiêu chuẩn bền vững như TTCT. Do đó, tôm sú chỉ phục vụ thị trường ngách thuộc phân khúc dịch vụ ẩm thực và bán lẻ. Đại dịch COVID-19 đã đóng băng thị trường dịch vụ ẩm thực, khiến nhu cầu tôm sú giai đoạn 2020 – 2021 sụt giảm mạnh. Sau đó, tiêu thụ tôm sú năm 2022 đã tăng trở lại gần 40.000 tấn và lại quay đầu giảm xuống 30.000 tấn vào năm 2023 do tồn kho cao.

3 thị trường trụ cột

Thị trường tôm châu Âu được chia thành 3 khu vực Tây Bắc, Nam và Đông Âu, tách biệt với vương quốc Anh. Theo Ủy ban châu Âu (EC), mức tiêu thụ tôm bình quân 1,5 kg/người, chiếm 6% tổng tiêu thụ thủy sản. Ở mỗi quốc gia, con số này lại khác nhau, ví dụ Tây Ban Nha có mức tiêu thụ 3 kg/người trong khi Hà Lan chỉ 600 g. Những hãng chế biến lớn thường có kênh phân phối lạnh và sản phẩm được ưa chuộng nhất ở phân khúc này là TTCT lột vỏ rút gân hoặc TTCT nguyên con. Hầu hết các hãng chế biến tên tuổi đều tập trung ở Tây Bắc châu Âu như Heiploeg, Dutch Seafood Company và Shore.

Phía Nam Âu chủ yếu là các nhà máy chế biến tôm công nghiệp và phân phối tôm ướp lạnh cho người tiêu dùng cuối cùng. Điển hình trong phân khúc này là Pháp, thị trường nhập khẩu và chế biến TTCT quy mô lớn với những hãng tên tuổi như Delpierre, Pescanova, Gambafresh và Crusta C. Các doanh nghiệp này thường có nhu cầu nhập khẩu một lượng lớn TTCT HOSO giá tốt nhất và khi chế biến chín đảm bảo sắc màu đỏ tươi. Tôm đạt chứng nhận bền vững luôn được ưu tiên hàng đầu. Trên thị trường bán lẻ ở Tây Bắc Âu gồm Đức, Hà Lan và Bỉ, 3 doanh nghiệp đang chiếm 60 – 70% thị phần gồm Heiploeg, Dutch Seafood Company và Shore.

Phần lớn tôm nhập khẩu được chế biến tại Tây Bắc Âu trước khi chuyển sang các nước châu Âu khác. Thị trường Benelux, gồm Bỉ, Hà Lan và Luxembourg tiêu thụ một lượng lớn tôm nước lạnh, ngoài TTCT và tôm hồng Atlantic. Người tiêu dùng tại đây ưa chuộng tôm chế biến sẵn. Những sản phẩm tôm lột vỏ và giá trị gia tăng được xếp đầy kệ hàng bán lẻ, cả ở dạng đông lạnh và tươi sống, chủ yếu là TTCT. Giá cả và chứng nhận bền vững là yếu tố then chốt quyết định chỗ đứng của sản phẩm trên thị trường này.

Hầu hết tôm sú nhập khẩu vào các thị trường Tây Bắc Âu đều được bán buôn và được xem là sản phẩm thay thế cao cấp cho TTCT. Dù giá TTCT giảm theo xu hướng chung của thị trường toàn cầu, người tiêu dùng ở Tây Bắc Âu vẫn chuộng tôm sú kích cỡ lớn 26 – 31 con/kg.

Thị trường Nam Âu gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia và Pháp chuộng hải sản tươi hơn. Ngoài ra, các yêu cầu về chất lượng như màu sắc, kích thước và độ tươi mới cũng được chú trọng. Sản phẩm phổ biến nhất là tôm HOSO vì các quốc gia quanh Địa Trung Hải đều cần loại tôm này làm nguyên liệu chế biến món ăn hàng ngày. Ngoài ra, các thị trường Địa Trung Hải đặc biệt quan tâm tôm đông lạnh ngâm muối – một kỹ thuật giúp cấp đông sâu hơn và nhanh hơn, từ đó nâng cao chất lượng tổng thể. Đặc biệt ở Pháp, tôm đạt màu sắc đẹp sẽ có giá cao hơn 20%.

Cơ hội xen thách thức

Tỷ lệ lạm phát ở châu Âu đã giảm 0,9 – 2,3% trong 3 tháng đầu năm. Do đó, nhu cầu tiêu thụ TTCT đông lạnh trong quý I/2024 đã phục hồi tích cực hơn so cùng kỳ năm 2023, với mức tăng trưởng khối lượng 11%, đạt 85.000 tấn. Nhập khẩu tôm từ Ecuador trong 3 tháng đầu năm lần lượt 14.700 tấn, 13.500 tấn và 14.800 tấn. Nguồn cung tôm từ Ấn Độ tương đối ổn định ở mức 5.000 tấn; nhập khẩu từ Việt Nam giảm dần trong quý I/2024 xuống dưới 3.000 tấn và dự kiến tăng trở lại 4.600 tấn trong tháng 5/2024.

Một xu hướng quan trọng đó là sự chuyển đổi sang các sản phẩm tiện lợi hơn, đặc biệt ở Tây Bắc Âu, nơi các nhà chế biến đang thúc đẩy nhu cầu đối với tôm giá trị gia tăng. Tại Nam Âu, TTCT vẫn có lợi thế trội hơn các sản phẩm khác nhờ giá bán thấp. Tương tự, ở Tây Bắc Âu, TTCT đang chiếm thị phần của các loại tôm khác, gồm cả tôm sú.

Triển vọng về nhu cầu tôm của thị trường châu Âu mang lại cả cơ hội khi tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 7% trong những năm tới. Tuy nhiên, một số yếu tố như sản lượng đánh bắt các loài địa phương ở châu Âu giảm và biện pháp kiểm soát khí thải CO2 cũng đặt ra nhiều thách thức. Cùng đó, bất ổn chính trị liên quan đến phiến quân Houthi vẫn ảnh hưởng đến tuyến đường biển từ châu Á sang châu Âu và tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Theo hãng vận tải Shanghai Freight Index, chi phí đường biển đạt đỉnh vào giữa tháng 1, giảm nhẹ trong tháng 2 nhưng vẫn cao gấp 3 lần thời điểm trước xung đột.

Diễn biến giá tôm tại châu Âu chịu tác động từ các yếu tố khác nhau, trong đó tôm nuôi đóng vai trò quan trọng. Hiện, các sản phẩm tôm tự nhiên (tôm nước lạnh) đang dần bị mất thị phần và đuối sức trước các sản phẩm tôm nuôi giá rẻ nhập khẩu từ châu Á hoặc Mỹ Latinh.

Tuấn Minh (Tổng hợp)

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.