Hiện nay, giá tôm nguyên liệu tại các tỉnh khu vực ĐBSCL giảm mạnh, gần như “chạm đáy” khiến người nuôi tôm đang bị thua lỗ nặng nề.
Ghi nhận giá tôm ngày 12/6 tại tỉnh Kiên Giang cho thấy, tôm sú giảm từ 30.000 – 40.000 đồng/kg tùy kích cỡ so với cách đây 1 tháng. Cụ thể, tôm sú loại 20 – 30 con/kg thương lái mua với giá 250.000 đồng/kg, giảm khoảng 40.000 đồng/kg. Tôm sú 50 con/kg cách đây 1 tháng có giá khoảng 130.000 – 135.000 đồng/kg, hiện giảm còn 95.000 đồng/kg.
Tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, thương lái mua giá 66.000 – 70.000 đồng/kg, giảm khoảng 20.000 đồng/kg. Tôm thẻ loại 50 – 60 con/kg giá 73.000 đồng, giảm 30.000 đồng/kg. Tôm thẻ loại 70 – 80 con/kg giá 70.000 đồng/kg, giảm 25.000 đồng/kg.
Tương tự, giá tôm thẻ chân trắng tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre… cũng đang ở mức thấp, giảm khoảng 40% so với đầu năm. Ông Đặng Văn Bảy, một trong những tỷ phú nuôi tôm công nghệ cao ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre cho biết, hiện giá tôm khá thấp, khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn. Giá tôm thẻ loại 100 con/kg chỉ khoảng 70.000 đồng; loại 30 con/kg hơn 115.000 đồng, giảm 40.000 đồng/kg so với cách đây 2 tháng. Với mức giá trên, người nuôi tôm ở Bến Tre không thu được lợi nhuận.
Giá tôm thẻ loại 30 con/kg tại khu vực tỉnh Trà Vinh được thương lái thu mua ở mức 115.000 đồng/kg, còn tại Sóc Trăng, tôm thẻ loại 70 con/kg cũng chỉ có giá 98.000 đồng/kg tại cổng nhà máy.
Ông Trần Văn Việt, Giám đốc Hợp tác xã nuôi tôm công nghiệp Thành Công (xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) cho biết, dù giá tôm đang giảm sâu nhưng giá thức ăn vẫn duy trì ở mức cao, vì vậy người nuôi tôm đang thua lỗ. Nếu tình trạng này kéo dài, người nuôi “treo ao”.
Nguyên nhân của việc giá tôm giảm mạnh theo ông Trần Văn Tâm, thương lái thu mua tôm tại thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, hiện nay giá tôm trong nước giảm do nguồn cung vượt cầu. Bên cạnh đó, tôm đang vào vụ mùa, thời tiết thuận lợi nên sản lượng thu hoạch lớn; cùng đó, các công ty thu mua tôm xuất khẩu giảm sản lượng làm cho giá tôm trong nước sụt giảm mạnh so với gần hai tháng trước.
Theo các chuyên gia, muốn giảm giá thành sản xuất và tạo nên sức bật mới cho con tôm, giúp người nuôi tôm đảm bảo sản xuất có lợi nhuận thì việc đẩy mạnh các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị phải được quan tâm nhiều hơn nữa. Cùng với đó, có chiến lược trong phát triển ngành chế biến thức ăn, vật tư phục vụ cho nuôi tôm, hướng đến tự chủ thay vì chiếm gần 90% lượng thức ăn nhập khẩu hiện nay phải lệ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài. Đồng thời, không ngừng cải tiến quy trình nuôi, kiểm soát chặt chất lượng con giống, vật tư và nhất là quản lý tốt môi trường để hướng đến việc hình thành, xây dựng nên những mô hình nuôi tôm hiện đại, bền vững, giá thành sản xuất thấp và mang lại nhiều lợi nhuận cho người nuôi tôm.
Như tại Bến Tre, thời gian gần đây, người nuôi đã có sự chuyển đổi nhanh từ hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh truyền thống sang nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao (nuôi 2, 3, 4 giai đoạn) tại 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Đây là hình thức nuôi mới, kiểm soát tốt dịch bệnh; năng suất, chất lượng tăng lên đáng kể. Lợi nhuận trung bình từ 700 – 800 triệu đồng/ha/vụ nuôi, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.
Ông Nguyễn Hoàng Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, để giúp người nuôi tôm vượt qua những khó khăn do giá tôm nguyên liệu liên tiếp sụt giảm, Chi cục hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, không để bùng phát bệnh dịch. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi nhiều giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, tôm – lúa, tôm – rừng, tôm hữu cơ, nuôi tôm công nghệ cao… nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Bên cạnh đó, khuyến cáo người nuôi ổn định tâm lý, tránh thu hoạch tôm nuôi ồ ạt, duy trì thả nuôi ổn định với mật độ thả nuôi thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi để tăng kích cỡ tôm thu hoạch size lớn, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, tăng giá bán, từ đó tăng hiệu suất đầu tư. Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nắm bắt tình hình diễn biến giá tôm nguyên liệu, phân tích hiệu quả sản xuất từng cỡ tôm thu hoạch, dự báo diễn biến nhu cầu của thị trường tiêu thụ, kịp thời thông tin đến chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nuôi có kế hoạch thả giống và giải pháp phù hợp trong tổ chức sản xuất. Quản lý chặt chẽ trước hiện tượng đại lý thu mua tôm nguyên liệu tung tin thất thiệt về chất lượng (tôm nhiễm kháng sinh) nhằm ép giá người nuôi tôm phải bán tôm với giá thấp để mưu lợi bất chính.
Vân Anh
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn