Giá cá điêu hồng và cá rô phi đang tăng chóng mặt, đạt mức kỷ lục mới. Tuy nhiên, đằng sau sự tăng giá này là những khó khăn không nhỏ đối với người nuôi.
Thời gian gần đây, thương lái các tỉnh đang thu mua cá điêu hồng, cá rô phi với giá 50.000 – 51.000 đồng/kg, đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Với mức giá này, cá xuất bè, người nuôi lãi từ 9.000 – 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá cá điêu hồng, cá rô phi tăng mạnh nhưng người nuôi, thương lái chẳng ai vui, bởi hiện tại ngư dân không có cá để bán, thương lái mua cá cũng khó.
An Giang là một trong 5 địa phương ở khu vực ĐBSCL mà ngư dân nuôi cá chợ với sản lượng lớn. Hiện, diện tích mặt nước thả nuôi các loại cá trong tỉnh khoảng 3.300ha với 4.354 lồng bè, 1.261 hộ nuôi. Toàn tỉnh có 5.990 hộ nuôi ao hầm, 1.793 hộ nuôi các đối tượng khác (lươn, ba ba, ếch, cua, ốc…). Sản lượng cá nuôi, cung cấp ra thị trường mỗi năm đạt 600.000 tấn, trong đó cá điêu hồng, cá rô phi đạt vài chục ngàn tấn/năm. Với tình trạng thua lỗ triền miên và điều kiện thời tiết nắng nóng như năm nay, nhiều nông dân đã nghỉ nuôi. Số hộ còn bám với nghề rất ít nên giá cá tăng.
Theo ghi nhận tại địa phương, ngày 5/8 vừa qua, thương lái tìm đến bè mua cá điêu hồng với giá từ 39.000 – 40.000 đồng/kg. Tới ngày 10/8, giá cá tăng lên 45.000 đồng/kg và sau đó là 50.000 đồng/kg. Nay giá đang ở mức từ 51.000 – 52.000 đồng/kg (size 500 up). Đối với cá rô phi (bắt size 500 up) dao động từ 45.000 – 46.000 đồng/kg nhưng sản lượng rất ít.
Với mặt hàng cá điêu hồng, cá rô phi, ngoài thị trường nội địa, mặt hàng này còn được tiêu thụ rất mạnh tại các nước, trong đó có Vương quốc Campuchia, Trung Quốc – Hồng Kông, Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Bỉ, Italy, Anh… với kim ngạch năm 2023 đạt 6 triệu USD.
Tuy giá cá điêu hồng, cá rô phi tăng cao nhưng dễ dẫn tới hệ lụy người nuôi phá vỡ hợp đồng liên kết với các đơn vị đã ký, điều này báo hiệu nguy cơ phát triển thiếu bền vững. Để nghề nuôi cá chợ phát triển bền vững, người dân rất cần cơ quan chức năng, trong đó có Hiệp hội Thủy sản tỉnh An Giang đứng ra tổ chức liên kết (ngư dân, doanh nghiệp, Nhà nước, nhà khoa học) để điều tiết hoạt động, điều tiết cung cầu, qua đó tránh được những rủi ro không cần thiết. Các bên tham gia liên kết cần có tinh thần “thượng tôn pháp luật”, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác làm giàu… Có như vậy, nghề nuôi cá nước ngọt tại ĐBSCL nói chung và An Giang nói riêng, mới phát triển bền vững trong thời gian tới.
Tuệ Lâm
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn